Chi 'hoa hồng' gần 800 tỉ đồng: Cần ngăn chặn và loại bỏ 'biến thể Việt Á' trong tương lai
Bộ Công an sẽ tiếp tục mở rộng điều tra, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với vụ án nhằm ngăn chặn và loại bỏ "biến thể Việt Á" trong tương lai.
Công ty Việt Á chi 'hoa hồng' gần 800 tỉ đồng
Vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố 19 bị can về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết thêm theo lời khai ban đầu, Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) thừa nhận đã cấu kết với nhiều bị can khác để nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%. "Từ việc nâng khống giá thiết bị, Việt Á thu về hơn 500 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này đã chi hoa hồng gần 800 tỉ đồng cho các đối tác để được cung ứng kit", Trung tướng Xô nêu rõ.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỉ đồng, 100.000 USD và tạm giữ trên 4,8 tỉ đồng do một số người có liên quan tự nguyện giao nộp.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với vụ án nhằm ngăn chặn và loại bỏ "biến thể Việt Á" trong tương lai.
Không thể là chuyện ngẫu nhiên!
Dưới góc độ pháp lý Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng việc chi hoa hồng, "quà tặng" là vài tỉ đồng, trị giá cả một gia tài giữa những người không phải là thân thích thì chỉ có thể là "ăn chia", "chung chi", là hoạt động gian lận chứ không thể có chuyện "người dưng" mà tặng cho nhau cả một gia tài như vậy.
"Số tiền gần 800 tỉ đồng đối với một doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh hoành hành như thế này là số tiền rất lớn, số tiền đó so với vốn điều lệ của doanh nghiệp này lớn hơn gấp rất nhiều lần, doanh nghiệp không thể mang toàn bộ vốn điều lệ (gia tài) của mình làm "quà tặng" như vậy. Nếu là đấu thầu, mua bán công khai, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật thì lấy đâu ra một số tiền khổng lồ như vậy để làm quà tặng, bôi trơn, chung chi?", Luật sư Cường nói.
Vị Luật sư phân tích thêm: "Trong vụ việc nêu trên cơ quan điều tra sẽ làm rõ những ai là người đã nhận quà? Quà đó là tiền hay dạng vật chất khác? Việc chuyển quà đó được thực hiện như thế nào?... Số tiền dùng để tặng quà đó có phải là do phạm tội mà có hay không? Đồng thời làm rõ những tác động của việc tặng quà đó mang lại đối với người tặng quà? Những thỏa thuận trực tiếp hoặc thỏa thuận ngầm giữa người tặng quà và người nhận quà như thế nào để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật".
Nếu có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản của nhà nước, số tiền tặng quà trên là do phạm tội mà có, hành vi có sự thông đồng cấu kết giữa quan chức và doanh nghiệp để làm thất thoát tài sản của nhà nước sau đó ăn chia, chung chi với nhau qua hình thức "quà tặng" "lại quả" với cái tên mỹ miều là "hoa hồng" thì hoàn toàn có thể xử lý về tội "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ", kể cả trong trường hợp những người trong cuộc không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Hành vi "móc ngoặc" giữa doanh nghiệp và quan chức như vậy là vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và có hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, tất cả những hành vi này cần phải xử lý nghiêm minh bằng chế tài của pháp luật, đó là chế tài hình sự nghiêm khắc.
Xử lý như thế nào?
Theo Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì cán bộ, công chức, viên chức không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Việc xử lý vi phạm khi nhận quà tặng trái quy định đối với cán bộ, công chức được quy định như sau: Kỷ luật bằng hình thức khiển trách nếu là lần đầu vi phạm, gây hậu quả ít nghiêm trọng; Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo nếu lần đầu vi phạm nhưng gây hậu quả nghiêm trọng; Kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo nếu lần đầu vi phạm nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo nhưng tái phạm; Kỷ luật bằng hình thức giáng chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu lần đầu vi phạm nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo nhưng tái phạm.
Kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu: Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức mà tái phạm hoặc cán bộ đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm; Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và chưa đến mức buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức trong trường hợp: Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm; Có hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với viên chức vi phạm sẽ bị xử lý: Kỷ luật bằng hình thức khiển trách nếu là lần đầu vi phạm, gây hậu quả ít nghiêm trọng; Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo nếu: Đã bị khiển trách mà tái phạm; Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. Kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý nếu: Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng; Đã bị cảnh cáo mà tái phạm. Kỷ luật bằng hình thứ buộc thôi việc nếu: Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm.
Đối với những cán bộ, công chức, viên chức nhận quà trái quy định là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đến mức chịu trách nhiệm hình sự sẽ bị xem xét xử lý “Tội nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Như vậy, pháp luật quy định rất rõ ràng về việc cán bộ công chức không được nhận quà của người dân, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp, đến công việc mà mình đang thực hiện. Việc nhận quà trái quy định sẽ bị xử lý kỷ luật, ngoài ra nếu nhận quà để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa qua thì đó là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị xử lý về tội "Nhận hối lộ" theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là hành vi táng tận lương tâm, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Với những kit test xét nghiệm không đủ tiêu chuẩn, không đảm bảo chất lượng thì đây còn là hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, khó kiểm soát trong cộng đồng. Bởi vậy, hậu quả gây ra với xã hội vô cùng nghiêm trọng. Tất cả các cán bộ, cá nhân, cơ quan, tổ chức có sai phạm trong vụ án này thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.