Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được đầu tư 6 làn xe
Bộ Giao thông - Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với quy mô 6 làn xe và có làn đường dừng khẩn cấp.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 9325/BGTVT-CCPN gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Long về “Đề nghị xây dựng làn đường dừng khẩn cấp trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhằm tránh gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông và xem xét cần xây dựng đường cao tốc trước khi định hướng phát triển kinh tế”.
Qua đó Bộ GTVT cho biết theo Quy hoạch được phê duyệt, Tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Dự án) có quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang 32,25m.
Dự án được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m; đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác từ tháng 4/2022.
Để hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc theo Quy hoạch được phê duyệt, phát huy hiệu quả khai thác các tuyến vành đai của TP. HCM, các tuyến cao tốc đang và sẽ được đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đã làm việc và thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang để nghiên cứu đầu tư mở rộng, hoàn thiện tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo Quy hoạch đã được phê duyệt.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư hoàn thiện Tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đảm bảo đúng quy mô 6 làn xe và có làn đường dừng khẩn cấp theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư giai đoạn 2 đối với Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, với quy mô như hiện nay, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận đều quá tải so với lưu lượng giao thông thực tế. Tình trạng tắc nghẽn giao thông gây ảnh hưởng lớn đến tuyến lưu thông huyết mạch giữa các tỉnh thành miền Tây với TP.HCM.