Căn cứ xác định thời gian làm thêm giờ của người lao động
Trong một năm, người này đi làm 48 ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, tổng thời gian là 384 giờ. Trong đó có 30 ngày thứ Bảy, Chủ Nhật trực giao dịch theo đặc thù ngành, và 18 ngày làm các công việc phát sinh khác. Người lao động đã nghỉ bù 23 ngày, tính theo giờ lao động 08 giờ/ngày, tương đương 184 giờ. Vì thế, người lao động có được thanh toán tối đa 200 giờ làm việc ngoài giờ cho 25 ngày còn lại không?
Việc được tính số giờ nghỉ bù cộng số giờ được thanh toán làm thêm giờ bằng không quá 200 giờ/năm là đúng hay sai? Số giờ làm ngoài giờ được thanh toán tối đa/năm có phải trừ đi số giờ đã nghỉ bù không?
Về vấn đề này, theo Bộ LĐ-TB&XH, tại Điều 111 Bộ luật Lao động quy định nghỉ hàng tuần như sau: Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ Nhật, hoặc ngày xác định khác trong tuần, nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
Nếu ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết quy định tại Khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này, thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Như vậy, Bộ luật Lao động chỉ có quy định về trường hợp người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc kế tiếp, nếu ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết quy định tại Khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Lao động.
Điều 105 Bộ luật Lao động quy định về thời giờ làm việc bình thường; Điều 107 Bộ luật Lao động quy định về làm thêm giờ; Điều 59, 60, 61, 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động hướng dẫn chi tiết về làm thêm giờ.
Vì vậy, người lao động cần căn cứ vào các quy định nêu trên để xác định thời gian làm thêm giờ.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở LĐ-TB&XH thuộc UBND cấp tỉnh và Phòng LĐ-TB&XH thuộc UBND cấp huyện.
Do đó, đối với các nội dung cần hướng dẫn về tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật lao động, người lao động có thể cung cấp thông tin chi tiết và gửi Sở LĐ-TB&XH địa phương để được hướng dẫn.