Cách tính mức hưởng lương hưu với người tham gia BHXH tự nguyện
Người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.
BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động có quyền tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Theo quy định tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức hưởng lương hưu hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay, được tính cụ thể như sau: Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Từ quy định trên, công thức tính lương hưu hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện là: Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXHTrong đó:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu được quy định cụ thể như sau: Với lao động nữ: Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Với lao động nam: Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH. Năm 2021 được tính là 19 năm đóng BHXH, từ 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
- Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng. Trong đó, thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố hàng năm.
Về điều kiện hưởng lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện, căn cứ Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay được hưởng lương hưu khi: Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động; đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Theo đó, về độ tuổi, người lao động nghỉ hưu năm 2024, trong điều kiện bình thường phải đủ 61 tuổi với lao động nam, đủ 56 tuổi 4 tháng với lao động nữ. Trường hợp đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định trên nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 quy định người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.
Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%. Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì thời gian này được tính tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25% cho mỗi năm đóng.