Bỗng chốc thành đại gia nhờ trúng độc đắc, người đàn ông Hà Nội gặp ai cũng giúp đỡ
Người đàn ông trúng độc đắc thường giúp đỡ những người kém may mắn như mua quần áo, hỗ trợ tiền bạc, mua vé tàu xe cho người lỡ đường.
Vợ chồng ông N (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây sống cùng 5 người con trong căn nhà rộng vỏn vẹn 18m2 với cảnh thiếu trước hụt sau, cái ăn chẳng đủ, theo Phụ nữ và Pháp luật. Và để lo cho các con, vợ chồng ông phải chắt bóp từng đồng lương công chức.
Bà H – vợ chồng N từng tâm sự: “Nhìn cảnh các con sinh hoạt chật chội, khổ sở mà ông nhà tôi trăn trở đến… phát bệnh. Từng ngày từng giờ ông ấy không nguôi ước mơ một ngày nào đó sẽ có căn nhà rộng rãi hơn để tụi nhỏ có không gian sinh hoạt riêng. Song với đồng lương nhà nước làm sao chúng tôi có thể mua được nhà mới cơ chứ. Thế rồi điều kỳ diệu đã xảy ra khi ông ấy trúng độc đắc”.
Ngày năm đó, ông N được mời đến phường Cửa Nam để dự một cuộc họp đến trưa. Khi ấy trong túi ông chỉ còn 2.000 đồng bồi dưỡng theo chế độ như các đại biểu khác dự họp. Ông định tiết kiệm số tiền ấy và về nhà ăn cơm cùng vợ con nhưng phải rẽ qua phố Hàng Trống cất giữ tài liệu.
Đến gần cơ quan, ông N chợt nhìn thấy một người phụ nữ bán vé số ngồi buồn thiu bên vệ đường. Ông đành mở cuốn sổ lấy 2.000 đồng mua giúp họ 2 tờ vé số coi như ủng hộ người nghèo, chứ không hề nghĩ tới chuyện nhận được “lộc trời”. Vì thế ông cất tài liệu xong liền để luôn 2 tờ vé số vào ngăn kéo rồi về nhà.
"Mấy ngày sau, nhà tôi đến cơ quan tình cờ kéo ngăn bàn lấy tài liệu, thấy hai tờ vé số. Ông ấy dò kết quả xem có trúng hay không. Ngờ đâu ông ấy trúng hai giải độc đắc trị giá 60 triệu đồng – số tiền rất lớn tại thời điểm năm 1989, tương đương gần 34 cây vàng 9999. Tối đó, sau khi ăn cơm nước xong xuôi, ông ấy mới kể cho tôi và các con nghe về việc mua 2 tờ vé số và trúng giải độc đắc. Có lẽ, trời thương hoàn cảnh vợ chồng tôi khốn khó nên mới ban lộc”, bà H tâm sự trên Hôn nhân và Đời sống.
Ngày nhận tiền thưởng, nhờ mọi người “chỉ dẫn”, ông N dùng tiền mua ngay một căn nhà rộng 72m2. Sau đó ông mua hai xe máy, hai xe đạp, hai máy khâu, hai nồi áp suất mới tinh để dùng. Số tiền 18 triệu đồng còn lại, ông dành để gửi tiết kiệm lấy tiền lời cho các con ăn học.
Thời gian sau, khi các con trưởng thành, ông lại dùng khoản tiền trúng số tiết kiệm ấy chia cho các con sửa nhà, mua đất và mua xe. Bà H cho biết: “Gia đình tôi sau khi chuyển đến nhà mới vẫn giữ nguyên nếp sống sinh hoạt cũ, tằn tiện và ki cóp, không chi tiêu phung phí. Chúng tôi coi đó là vận may nhưng đâu phải vì thế mà ỉ lại để hưởng thụ. Tôi và nhà tôi quan niệm có tiền vẫn phải lao động mới biết trân quý những gì đang có. Hồi ấy, 60 triệu đồng tương đương tiền tỷ bây giờ nên quý lắm! Nó như một gia sản khổng lồ ấy. Chúng tôi cũng bảo ban các con sống giản dị, cần kiệm thì mới khá lên được. Thực tâm tôi khá sợ chúng thấy cha mẹ có tiền sinh tật, ăn chơi vô độ như bao gia đình trúng số khác thì tiền núi cũng hết thôi”.
Còn theo ông N, sau lần trúng độc đắc, ông nghiệm ra rằng tiền chỉ là phương tiện chứ không phải nền tảng quyết định hạnh phúc. Bởi xưa gia đình ông nghèo khó vẫn yêu thương nhau. Khi có tiền, ông càng thận trọng hơn để tránh khỏi những thói hư tật xấu ngoài xã hội.
Sống tiết kiệm với chính mình và các con song vợ chồng ông N lại rộng rãi với người xung quanh. Ông thường giúp đỡ những người kém may mắn như mua quần áo, hỗ trợ tiền bạc, mua vé tàu xe cho người lỡ đường. Ông đã trở thành một tấm gương sáng cho người dân trong khu phố học tập suốt mấy chục năm liền.