Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 09/07/2024 06:08 (GMT+7)

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ bệnh bạch hầu

Theo dõi GĐ&PL trên

Chiều 8/7, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu

Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo quy định.

Đồng thời, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu 2 Sở Y tế trên chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường trên địa bàn; thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vaccine, lưu ý các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.

Sở Y tế hai tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị. Cùng đó, tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Sở Y tế hai tỉnh rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc điều trị kháng sinh dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo công tác hậu cần phục vụ chống dịch.

Trường hợp cần thiết đề xuất nhu cầu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu gửi Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng theo quy định.

Ngành Y tế hai địa phương huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu Sở Y tế Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Làm gì để phòng, chống bệnh bạch hầu?

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng mũi họng cấp tính, gây ra bởi một trực khuẩn ái khí, gram dương có tên là Corynebacterium tấn công vào niêm mạc vùng mũi họng. Vi khuẩn này tạo nên một loại giả mạc trắng dai, bám chặt và lan nhanh ra bao phủ toàn bộ lớp niêm mạc của đường hô hấp. Độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi, gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân.

Theo các chuyên gia y tế, có hai nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân bạch hầu đó là: Độc tố tiết ra từ vi khuẩn bạch hầu tấn công vào các tế bào vật chủ, ngăn cản sự tổng hợp chuỗi Protein và gây chết tế bào; giả mạc vùng họng bít lấp đường thở.

Về phương thức truyền bệnh: Trực khuẩn bạch hầu có dạng hình que, sắp xếp thành đám, 2 đầu của trực khuẩn mầu tím, giống hình chùy. Thông thường vi khuẩn bạch hầu nhân lên trên hoặc gần bề mặt của màng nhầy của cổ họng. Do đó, bạch hầu lây chủ yếu qua đường dịch tiết.

Lây truyền trực tiếp: Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người.

Lây truyền gián tiếp: Thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh. Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ việc chưa làm sạch các vật dụng mà người nhiễm bệnh đã sử dụng từ cốc uống nước chưa rửa của người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với các giấy ăn mà người bệnh đã sử dụng…

Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Cùng chuyên mục

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh từ vi khuẩn Whitmore đầu tiên
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đến ngày 3/9, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi T.T.D.M., (14 tuổi, ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, là vi khuẩn gây bệnh Whitmore đã ổn định và đang tiếp tục điều trị theo phác đồ, dự kiến 2 tuần nữa bệnh nhi được xuất viện. Đây là ca bệnh nhiễm vi khuẩn Whitmore đầu tiên ghi nhận ở Đồng Nai.
Phú Thọ: 152 công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam ổn định sức khỏe, được ra viện
Sau 2 ngày được điều trị kịp thời theo quy trình và đúng phác đồ của Bộ Y tế, chiều ngày 30/8/2024, 152 công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam (Lô CN 5, Cụm công nghiệp Hoàng Xá, Huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.

Tin mới

6 thương hiệu chủ chốt của Vingroup được vinh danh trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024
Ngày 6/9/2024, công ty định giá thương hiệu uy tín toàn cầu Brand Finance công bố báo cáo về 100 thương hiệu giá trị nhất và mạnh nhất Việt Nam năm 2024. Trong đó, lần đầu tiên 6 thương hiệu chủ chốt thuộc hệ sinh thái Vingroup gồm Vinhomes, Vinpearl, Vincom Retail, VinFast, Vinschool, Vinmec đồng loạt được vinh danh trong Top 100, khẳng định sức mạnh và sự phát triển không ngừng của Tập đoàn đa ngành hàng đầu khu vực.
Vincom Plaza Imperia Hải Phòng tái xuất với trải nghiệm phong cách mua sắm hoàn toàn mới
Dịp lễ Quốc khánh vừa qua, “phượng hoàng đất Cảng” Vincom Plaza Imperia - biểu tượng thương mại nơi trung tâm thành phố đã chính thức tái xuất và nhanh chóng trở thành tâm điểm mua sắm, vui chơi giải trí của du khách và người dân Hải Phòng, nhất là khi có sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu mới và chuỗi sự kiện chào mừng sôi động.
Khối tài sản của đại gia Lê Hồng Minh, CEO kì lân công nghệ VNG
Trong phiên giao dịch 6/9, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG do đại gia Lê Hồng Minh giữ vị trí Tổng giám đốc đã có thời điểm giảm kịch sàn trước khi phục hồi trở lại vào cuối phiên. Với đà giảm của cổ phiếu VNZ thời gian gần đây, khối tài sản của Tổng giám đốc Lê Hồng Minh cũng đã giảm mạnh so với mức đỉnh.