Bố mẹ có nên treo thưởng để con chịu học? Chuyên gia khuyến khích nhưng kèm 3 điều kiện
Nhiều bố mẹ ngày nay áp dụng phương pháp treo thưởng để cho con học.
Ngày nay, có không ít bố mẹ "khoe" rằng đứa trẻ của mình rất ngoan ngoãn, ngày càng tiến bộ trong việc học hành nhờ bố mẹ kích thích bằng phương pháp "treo thưởng". Nhiều bậc phụ huynh chuộng cách giáo dục con này vì nhìn thấy được hiệu quả mà nó mang lại, giúp thúc đẩy động lực học mạnh mẽ của con trẻ.
Bố mẹ cũng đa dạng các loại phần thưởng, chẳng hạn như thưởng tiền, đồ chơi, đồ ăn hoặc bố mẹ hứa hẹn cho trẻ được phép chơi những hoạt động mà con thích nếu như có sự tiến bộ trong việc học. Hay bố mẹ "giao kèo", "Nếu con hoàn thành bài toán này thì mẹ sẽ cho con xem tivi 30 phút", "Nếu con thi được 10 điểm thì mẹ sẽ mua đồ chơi cho con", "Con sẽ được thưởng số tiền lớn nếu đạt được vị trí nhất lớp"...
Sự thật là phương pháp này ban đầu sẽ tạo ra kết quả tức thời khiến bố mẹ hài lòng, tuy nhiên càng về lâu về dài thì nó có thể làm suy yếu động lực rèn luyện bên trong của trẻ. Thậm chí không chỉ ở việc học, mà cách giáo dục "treo thưởng" của bố mẹ còn phổ biến trong mọi tình huống, và tiềm tàng những ảnh hưởng tiêu cực về sau. Nếu không xem xét và hiểu được bản chất của phương pháp nuôi dạy này một cách đúng đắn, bố mẹ có thể vô tình "làm hư" con mình.
Để giúp các bậc phụ huynh không mắc sai lầm trên hành trình giáo dục trẻ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đã có những chia sẻ hữu ích và cụ thể dưới đây. Đưa ra lời khuyên để bố mẹ biết cách "treo thưởng" một cách phù hợp, từ đó tạo ra những hiệu quả tích cực cho việc học và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo quan điểm của chuyên gia, việc bố mẹ "treo thưởng" cho con để khuyến khích trẻ học hành có hiệu quả không, vì sao?
Việc "treo thưởng" để khuyến khích trẻ học hành có hiệu quả ngắn hạn, nhưng phương pháp này sẽ đi kèm với một số rủi ro.
Dựa theo học thuyết về ngoại lực, khi một đứa trẻ học để được bố mẹ cho tiền, học để được đi chơi, nhận quà thì sẽ khiến cho ngoại lực phát triển, nghĩa là động lực được kích thích từ bên ngoài. Điều này khuyến khích trẻ học hành.
Tuy nhiên sự hứng thú ở đây không xuất phát từ hứng thú đối với việc học, mà là trẻ cảm thấy hứng thú với những "phần thưởng" bố mẹ đưa ra.
Trong một số trường hợp, phương pháp giáo dục này của bố mẹ cũng sẽ không hiệu quả, chẳng hạn như đứa trẻ không còn cảm thấy thích thú với việc được bố mẹ "treo thưởng", hoặc phần thưởng chưa đủ thuyết phục...
Có những rủi ro hoặc hạn chế nào có thể xuất hiện khi bố mẹ áp dụng phương pháp "treo thưởng" này?
Khi ngoại lực phát triển, trẻ sẽ chỉ tập trung vào ngoại lực mà ít tập trung vào nội lực của mình. Thay vì học bởi niềm yêu thích và sự tò mò, trẻ có thể chỉ tập trung vào việc kiếm được phần thưởng, dẫn đến mất đi sự sáng tạo và giá trị cốt lõi của việc học.
Ví dụ bố mẹ cho trẻ lời đề nghị, nếu con hoàn thành tốt bài đàn này thì sẽ mua cho con một bộ đồ chơi robot. Vì muốn nhận được phần thưởng mà trẻ ra sức nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuy nhiên nó có thể không làm kích thích niềm đam mê đối với âm nhạc của trẻ.
Ngược lại còn khiến trẻ dễ hình thành tâm lý phụ thuộc. Khi không có phần thưởng, trẻ có thể mất đi động lực và không còn quan tâm đến việc học.
Một nghiên cứu liên quan đến tâm lý học xã hội đã chỉ ra rằng, phần thưởng càng lớn thì người tham gia càng giảm sự hứng thú. Nghĩa là ban đầu họ tham gia vì cảm thấy yêu thích trò chơi đó, nhưng khi treo thưởng thì sự yêu thích tự nhiên đó giảm đi và có thể chuyển hứng thú sang phần thưởng.
Chuyên gia nghĩ bố mẹ có nên áp dụng phương pháp nuôi dạy theo kiểu "treo thưởng", và nếu nên thì cần áp dụng như thế nào cho phù hợp?
Theo quan điểm của tôi, bố mẹ nên áp dụng phương pháp "treo thưởng" nhưng trong tầm kiểm soát và khả năng của mình.
Thứ nhất, những việc hiển nhiên mà đứa trẻ phải làm thì khuyến khích bố mẹ không "treo thưởng", chẳng hạn như con được cô giáo giao bài tập về nhà. Đây là nhiệm vụ buộc con phải hoàn thành và trẻ cần có ý thức, trách nhiệm ngay từ bên trong chứ không đợi bố mẹ phải nhắc nhở, treo thưởng. Chỉ khi con làm hơn như thế, ngoài sự mong đợi thì bố mẹ có thể cân nhắc phần thưởng.
Thứ hai, nếu được thì bố mẹ nên gắn phần thưởng với hoạt động học. Nghĩa là bản chất của phần thưởng gắn liền với bản chất của việc học.
Thứ ba, bố mẹ tuyệt đối đừng "treo phần thưởng" quá cao. Điều này dễ khiến con hình thành tư tưởng, bản thân luôn xứng đáng nhận được những phần thưởng có giá trị cao như vậy, và về lâu về dài trẻ sẽ càng đòi hỏi cao hơn và có sự phụ thuộc vào phần thưởng.
Ngoài cách giáo dục "treo thưởng", có những phương pháp khác nào để khuyến khích tinh thần học tập và phát triển của con trẻ một cách hiệu quả hơn?
Có nhiều phương pháp để bố mẹ khuyến khích tinh thần học tập và phát triển của con trẻ một cách hiệu quả, đặc biệt là khi bố mẹ dành thời gian chất lượng cho con. Bố mẹ cùng đồng hành với trẻ trên hành trình theo đuổi việc học, hướng dẫn và hỗ trợ con một cách nhẹ nhàng, chỉnh chu.
Tạo một môi trường học tập tích cực và hứng thú bằng cách cung cấp không gian thoải mái và tài liệu học phù hợp cho con. Quan trọng là ngoài học trong sách vở, bố mẹ cần giúp trẻ biết liên kết với thực tế để con nhìn thấy ý nghĩa của việc học và áp dụng kiến thức của mình vào cuộc sống hàng ngày hiệu quả.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng đừng quên khích lệ, có những phản hồi tích cực về quá trình học tập của con để giúp trẻ cảm thấy tự tin và có động lực mạnh mẽ, từ đó không ngừng nỗ lực, cố gắng hoàn thiện và phát triển bản thân hơn.