Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư Cảng hàng không (CHK) Côn Đảo
Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng về phương án đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm an toàn khai thác và quốc phòng, an ninh.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị tiếp tục triển khai dự án nâng cấp, mở rộng khu bay bằng nguồn vốn đầu tư công để sớm đưa vào khai thác tàu bay code C (A320 và tương đương), phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong khai thác và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đây là phương án đầu tư bảo đảm hiệu quả khai thác cũng như hiệu quả sử dụng vốn với kinh phí hợp lý.
Đối với các công trình bảo đảm hoạt động bay, theo quy định hiện hành, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) có trách nhiệm đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công trình, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay tại CHK Côn Đảo.
Theo nghiên cứu của tư vấn quốc tế và các đơn vị, cần đầu tư một số công trình bảo đảm hoạt động bay như đài dẫn hướng vô tuyến (NDB), hệ thống quan trắc khí tượng tự động (AWOS); riêng công trình đài kiểm soát không lưu có thể tiếp tục duy trì trong giai đoạn trước mắt để phục vụ công tác điều hành bay. Bộ GTVT cho biết sẽ chỉ đạo VATM tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư các công trình để bảo đảm đồng bộ và an toàn trong khai thác.
Với các công trình khu hàng không dân dụng, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, CHK Côn Đảo được quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 với công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 với công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.
Riêng với các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không (cung cấp suất ăn hàng không, xăng dầu hàng không...) được Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu.
Để khai thác đầy tải trọng thương mại với các dòng tàu bay tầm trung như A321, các đơn vị chức năng tính toán cần kéo dài đường cất hạ cánh ra phía biển khoảng 860 m (về phía Đông) để đạt chiều dài 2.400 m. Theo phương án này, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư phát triển sân bay Côn Đảo khoảng trên 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do địa hình hạn chế, kinh phí đầu tư lớn, Bộ GTVT đề xuất sử dụng nguồn vốn viện trợ của chính phủ Australia để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín của quốc tế hỗ trợ rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của đường cất hạ cánh và khuyến nghị chủng loại tàu bay khai thác tối ưu tại sân bay Côn Đảo.
Hiện đội tàu bay code C của các hãng hàng không Việt Nam chủ yếu gồm các dòng tàu bay A320 và ATR72 (VNA, Vasco Airlines). Các hãng hàng không Việt Nam đã và đang tiếp tục thuê, mua các dòng tàu bay code C như A320neo/ceo, A321neo/ceo và B737 MAX8.
Trên cơ sở kết quả tính toán các đường bay dự kiến, điều kiện khai thác, tư vấn quốc tế kết luận chiều dài đường cất hạ cánh hiện tại (1.830m) của sân bay Côn Đảo đủ để tiếp nhận và khai thác hiệu quả hầu hết các loại tàu bay code C do các hãng hàng không Việt Nam khai thác, ngoại trừ tàu bay A321 phải giảm tải trọng thương mại.
Các hãng hàng không được đánh giá nên khai thác các loại tàu bay code C cỡ trung bình (như A320ceo/neo, A319, B737-7/8...) để bảo đảm hiệu quả khai thác cao nhất, cũng như hiệu quả đầu tư về hạ tầng, bảo đảm khai thác toàn bộ các đường bay nội địa của Việt Nam và có thể khai thác một số đường bay quốc tế tới Đông Nam Á, Bắc Á.
Để tăng năng lực khai thác đường cất hạ cánh, tư vấn cũng khuyến nghị cần xây dựng khu tiếp nhiên liệu tại cảng; Xây dựng đường lăn song song giúp tăng 50% công suất, ngay cả với đội tàu bay đang khai thác (ATR72 và E190); Bổ sung các hạng mục công trình bảo đảm an toàn trong khai thác...