Bình Thuận: Khai thác cát 'rút ruột' tài nguyên sao chưa bị xử lý?
Trong khi hàng loạt bãi khai thác cát khắp địa bàn tỉnh Bình Thuận bị xử phạt, thậm chí rút giấy phép hoạt động thì bãi cát khổng lồ đang "rút ruột" tài nguyên tại xã Tân Lập vẫn không hề hấn gì?!
Ngay sau khi thông tin về bãi khai thác cát được cho là của ông Tôn Thất Hậu (xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) khai thác ngoài diện tích gần 100 ha, xe ben vận tải cát rầm rập ngày đêm cày nát làng quê loan tải trên các phương tiện truyền thông, chính quyền sở tại đã xuống kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra đến nay đã hơn nửa tháng vẫn chưa được công bố. Thậm chí, những người đứng đầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tỏ vẻ thiếu thiện chí khi giới báo chí đề cập đến vấn đề kiểm tra xử phạt này!
Như MTĐT đã thông tin, bãi khai thác cát này đã ngang nhiên “mở rộng” đến khoảng 100 ha, vượt xa diện tích được cấp phép. Từ một diện tích vài ha được cấp phép, công ty này đã nhanh chóng bành trướng ra xung quanh khiến cả khu vực như một ốc đảo bị cày nát giữa mảng xanh làng mạc trung du. Cát khai thác tại đây được tập trung vào khu vực khoảng 3ha để tẩy rửa rồi theo các xe tải, gầm rú trên những con đường làng dài khoảng 1km, đổ ra quốc lộ 1A rồi phóng đi nhiều nơiTrong một báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận nhận định rằng, ngoài các điểm phát sinh mới, tình trạng khai thác khoáng sản vật liệu trái phép vẫn tiếp tục tái diễn ở các điểm đã được các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nhưng chưa được xử lý dứt điểm như: khu vực xã Tân Xuân và Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân; khu vực lòng hồ Biển Lạc giáp ranh giữa huyện Tánh Linh và huyện Đức Linh.
Tài nguyên cát đang bị khai thác vô tội vạ tại Tân Lập |
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành 19 quyết định và Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền phạt là 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo chuyển cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh điều tra 2 vụ với 2 đối tượng có hành vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Các địa phương đã phát hiện và xử lý, xử phạt 182 vụ khai thác trái phép khoáng sản vật liệu xây dựng với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Để chấn chỉnh tình trạng phức tạp này, người đứng đầu tỉnh Bình Thuận đã mạnh miệng lên tiếng: “Nếu trên địa bàn nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, có cán bộ dưới quyền tiêu cực thì phải tổ chức kiểm điểm người đứng đầu theo quy định”.
Theo chủ trương mới nhất của tỉnh: Các địa phương xem xét xử lý hình sự các trường hợp manh động, vi phạm nhiều lần để tăng tính răn đe; rà soát và nắm cụ thể các khu vực, “điểm nóng” trên địa bàn, nhất là các vị trí khai thác, tập kết vật liệu xây dựng trái phép. Trên cơ sở đó, các địa phương lập danh sách các đối tượng và mở đợt cao điểm đấu tranh, xử lý, xóa bỏ “điểm nóng.”
Một góc bãi khai thác cát của ông Hậu |
Trở lại bãi cát đang “náo loạn” tại xã Tân Lập của ông Tôn Thất Hậu, trên cơ sở pháp luật hiện hành, bãi cát này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Trước hết, về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản của tổ chức, cá nhân được quy định tại khoản 1 và khoản 2, điều 17 của Luật Khoáng sản, cụ thể: Tổ chức, cá nhận hoạt động khoáng sản có trách nhiệm, khi thăm dò phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ cá loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan quản lý Nhà nước có thầm quyền cấp phép; khi khai thác phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; quản lý khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản chưa thu hồi được. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng, không được tự ý khai thác.
Tại điều 37, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 100 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép đến dưới 2m; Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép (theo bề mặt) khai thác từ 100 m đến dưới 200 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 2 m đến dưới 5 m;…Nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần thì bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 6 tháng đến dưới 15 tháng. Đồng thời buộc cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn;
Tại điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên cụ thể: Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt như sau: Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Môi trường và Đô thị sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin.