Ấn Độ chuẩn bị vận hành cây cầu đường sắt cao nhất thế giới
Cầu Chenab của Ấn Độ có chiều dài hơn 1,3km, được xây dựng ở độ cao lên tới 359m, cao hơn 29m so với tháp Eiffel của Pháp.
Ấn Độ hiện là quê hương của cây cầu đường sắt cao nhất thế giới. Cao hơn tháp Eiffel khoảng 29 m, cầu Chenab nằm ở độ cao 359 m trên sông Chenab ở vùng Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Trong thông cáo báo chí hồi tháng 3, Bộ Đường sắt Ấn Độ cho biết sau nhiều thập kỷ xây dựng, cầu Chenab ở miền Bắc Ấn Độ sẽ mở cửa đón du khách vào cuối tháng 12/2023 hoặc tháng 1/2024.
Cây cầu dài 1.315 m này là một phần của dự án lớn hơn nhằm giúp cho mạng lưới đường sắt Ấn Độ có thể tiếp cận Thung lũng Kashmir. Ngoài cầu Chenab, dự án Liên kết Đường sắt Udhampur-Srinagar-Baramulla (USBRL) còn liên quan đến 2 công trình sẽ là những kỷ lục của Ấn Độ, đó là đường hầm vận chuyển dài nhất và cây cầu cáp đầu tiên của đường sắt Ấn Độ.
Đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người lên nắm quyền vào năm 2014, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cầu Chenab và dự án liên kết đường sắt rộng lớn hơn có thể được coi là một công cụ mạnh mẽ để hội nhập xã hội và ảnh hưởng chính trị, kết nối các vùng miền với các thành phố trọng điểm.
Ông Sushant Singh, một thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở Ấn Độ, nhấn mạnh cầu Chenab có ý nghĩa chính trị vì nó được coi là “phương tiện để hội nhập Kashmir vào Ấn Độ”. Ông hy vọng tuyến đường sắt, bao gồm cả cầu Chenab, sẽ khiến Kashmir “cảm thấy mình là một phần của Ấn Độ hơn”.
Ông Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á thuộc Trung tâm Wilson, cho biết “New Delhi kỳ vọng cây cầu này và khả năng kết nối lớn hơn mà nó tạo ra sẽ là một bước tiến lớn cho sự phát triển của khu vực”.
Theo giới chuyên gia, khả năng kết nối bằng tàu hỏa trong mọi điều kiện thời tiết giữa Kashmir với phần còn lại của Ấn Độ sẽ đặc biệt thúc đẩy các ngành công nghiệp và nông nghiệp của khu vực. Trước đây, tuyến đường bộ duy nhất nối các khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát với phần còn lại của đất nước là đường cao tốc quốc gia Srinagar-Jammu dài 300 km. Tuy nhiên, tuyến đường này thường phải đóng cửa vào những khoảng thời gian khắc nghiệt nhất của mùa Đông và cũng thường là điểm đen của tai nạn giao thông.
Mặc dù dự án USBRL tổng thể đã được thành lập vào năm 2002 trước khi ông Narendra Modi trở thành thủ tướng, nhưng cầu Chenab đã được coi là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực của ông nhằm mở rộng sự phát triển trong nước.
Bộ trưởng Bộ Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho biết, “cầu Chenab mang tính biểu tượng là một ví dụ về khía cạnh phát triển mới, được hiện thực hóa nhờ sự lãnh đạo đầy cảm hứng của Thủ tướng đáng kính”.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Modi đã tăng ngân sách chưa đến 100 triệu USD cho dự án USBRL lên gấp 6 lần để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cây cầu sau nhiều năm trì hoãn.
Ấn Độ đã đầu tư hàng triệu USD vào việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Vào tháng 2, Thủ tướng Modi khánh thành đoạn đầu tiên của tuyến đường cao tốc dài 1.386 km nối thủ đô New Delhi với trung tâm tài chính Mumbai. Chỉ riêng đoạn đường cao tốc dài 246 km đã tiêu tốn 1,4 tỉ USD.
Việc xây dựng hành lang vận tải hàng hóa chuyên dụng phía tây cũng đang được tiến hành, nhằm mục đích thông thoáng mạng lưới đường sắt của Ấn Độ.