8 biểu hiện trẻ bất an và đang thiếu tình yêu thương của bố mẹ
Trẻ nhỏ mắc phải những hành vi sau đây có thể dấu hiệu trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý, bố mẹ nên chú ý quan sát và giúp con điều chỉnh sớm.
Trên một diễn đàn dành cho gia đình, nhiều phụ huynh chia sẻ rằng con mình đang gặp một số vấn đề về kỷ luật, như bốc đồng, cáu kỉnh, thích đánh người khác, rụt rè, nhút nhát, không thích đi học hoặc vẫn mút ngón tay dù đã lớn.
Vấn đề này khiến phụ huynh băn khoăn liệu có phải do tính cách bẩm sinh của trẻ hay do giáo dục không đúng cách? Theo lý giải của các chuyên gia, những hành vi này ở trẻ thường bắt nguồn từ các vấn đề tâm lý. Vì vậy, bố mẹ nên hiểu rõ điều này và không nên cố gắng ngăn chặn bằng cách chỉ trích, đổ lỗi, hay quát mắng trẻ
Thay vào đó, bố mẹ có thể tham khảo một số phương pháp khoa học để giúp trẻ sửa chữa những hành vi xấu này, đồng thời bố mẹ cũng có cơ hội hiểu con hơn.
Trẻ lớn vẫn mút ngón tay
Không ít trẻ có thói quen mút ngón tay, ngón chân, và nếu không mút ngón tay thì không thể ngủ được. Trong những trường hợp nghiêm trọng, thói quen này có thể gây biến dạng ngón tay của trẻ.
Mút ngón tay là một hành vi bình thường đối với trẻ dưới 1 tuổi. Điều này bởi vì não của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và việc ngón tay tiếp xúc với miệng giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh.
Khi não bộ phát triển dần dần, hầu hết các trẻ sẽ tự ngừng thói quen này. Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn tiếp tục mút ngón tay khi đã lớn, điều này có thể là một vấn đề tâm lý cần quan tâm.
Chuyên gia gợi ý cách: Bố mẹ có thể sử dụng cách đánh lạc hướng tâm trí trẻ.
Cung cấp cho trẻ một hoạt động khác để thay thế việc mút ngón tay, ví dụ cầm một vật nhỏ, như một quả bóng nhỏ hoặc một chiếc bút. Điều này giúp trẻ tập trung vào hoạt động khác mà không cần phải mút ngón tay.
Khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động khác như vẽ, chơi nhạc, thể thao, hoặc đọc sách. Điều này giúp trẻ tập trung vào những hoạt động tích cực và dần dần thay thế thói quen mút ngón tay.
Trẻ thích cắn móng tay
Một số trẻ có thể có thói quen thích cắn móng tay, dù bố mẹ nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn không thể kiềm chế được, dẫn đến việc gây tổn thương và chảy máu.
Thói quen cắn móng tay có thể xuất phát từ việc cơ thể thiếu các nguyên tố vi lượng, tuy nhiên, nhiều hơn là do các nguyên nhân tâm lý. Điều này bao gồm sự thiếu quan tâm đầy đủ từ bố mẹ, một môi trường gia đình không hòa thuận dẫn đến tình trạng tâm lý yếu đuối và căng thẳng về mặt tình cảm của trẻ.
Chuyên gia gợi ý cách: Tìm kiếm lý do tâm lý và chuyển hướng sự chú ý của trẻ.
Đối với trẻ thích cắn móng tay, bố mẹ nên dành thời gian và quan tâm nhiều hơn, tham gia vào hoạt động chơi cùng và giúp giảm căng thẳng cảm xúc của trẻ.
Bố mẹ có thể tăng cường việc cho trẻ ăn nhiều rau củ và trái cây, cung cấp bổ sung vitamin cần thiết và giảm nguy cơ bong tróc da tay.
Bốc đồng, cáu kỉnh, giận dữ
Nhiều trẻ hay cáu giận, mất bình tĩnh, cực kỳ hung hăng vì những chuyện vặt, phụ huynh có thể cho đây là tính cách bẩm sinh của trẻ, nhưng thực tế thường là vấn đề tâm lý.
Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số trẻ em bốc đồng và cáu kỉnh do phản ứng của hệ thần kinh bẩm sinh, nhưng hầu hết trẻ em luôn mất bình tĩnh đều có liên quan đến quá trình giáo dục và môi trường sống.
Chuyên gia gợi ý cách: Tạm thời cách ly, bố mẹ làm gương tốt.
Trong trường hợp trẻ mất bình tĩnh, có thể áp dụng một phương pháp tách rời để đảm bảo an toàn và giúp trẻ bình tĩnh trở lại. Đưa trẻ vào một nơi yên tĩnh trong một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp này hiệu quả hơn đối với những trẻ có xu hướng bạo lực.
Ngoài ra, bố mẹ nên xem liệu mình có đối xử quá khắt khe với con hay không. Vì vậy, bố mẹ nên làm mẫu gương tốt trước mặt con, học cách kiềm chế cảm xúc, đặc biệt là tránh tranh cãi trước mặt con.
Phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình
Một số trẻ qua 3 tuổi vẫn rất phụ thuộc vào bố mẹ hoặc những người thân trong gia đình. Khi đến tuổi đi nhà trẻ, con không muốn hoặc cảm thấy khó khăn khi phải đi một mình, thường yêu cầu được đi cùng bố mẹ hoặc ông bà.
Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn, nên dần dần thích nghi với việc tách khỏi người lớn, điều này có thể liên quan đến mức độ chăm sóc và bảo vệ quá mức từ cha mẹ.
Chuyên gia gợi ý cách: Hãy để trẻ làm điều gì đó một cách độc lập
Bố mẹ nên lưu ý rằng, việc thiếu sự chăm sóc từ mẹ trong giai đoạn đầu (đặc biệt từ 3 tháng đến 1 tuổi) có thể khiến trẻ trở nên có xu hướng lệ thuộc vào người khác.
Đối với những trẻ phụ thuộc quá mức, bố mẹ nên từ từ rèn cho trẻ thói quen độc lập, cho phép trẻ tự làm một số công việc. Đặc biệt, trẻ cần được trải nghiệm cảm giác hoàn thành một công việc một mình, từ đó sẽ dần nhận ra rằng mình có thể làm những điều thú vị ngay cả khi không có sự hỗ trợ từ bố mẹ.
Thứ hai, khi bố mẹ rời xa trẻ, không nên lặng lẽ đi mà phải thông báo cho trẻ và thể hiện ý định rõ ràng rằng mình sẽ quay lại.
Trẻ thường xuyên sợ hãi quá mức
Trẻ sợ hãi là một trạng thái bình thường, nhưng khi sợ hãi trở nên quá mức, cần được quan tâm đặc biệt. Ví dụ, khi trẻ sợ đi gặp bác sĩ vì nghĩ rằng sẽ luôn bị tiêm, hoặc khi nhắc đến trường học thì không muốn đi học.
Mức độ sợ hãi của mỗi người thường tương quan với sự phát triển kỹ năng thể chất và trưởng thành cá nhân. Khi trẻ tiếp xúc và trải nghiệm nhiều hoạt động hơn, sợ hãi sẽ tăng dần.
Nói chung, nỗi sợ hãi của trẻ về bệnh tật, cái chết, sự cô đơn, bóng tối và những sinh vật kỳ quái thường đạt đến đỉnh điểm khi trẻ 4 tuổi và bắt đầu giảm đi sau 6 tuổi. Việc trẻ có thể vượt qua sợ hãi một cách thích hợp phụ thuộc vào cảm giác an toàn mà con có được.
Chuyên gia gợi ý cách: Xoa dịu nỗi sợ hãi của trẻ và giải thích sự thật.
Trẻ em có trí tưởng tượng phong phú và thường nhầm lẫn giữa tưởng tượng và thực tế. Người lớn cần hiểu và giảm bớt sự khó chịu này từ góc nhìn của chính trẻ.
Đối với những trẻ chưa thể diễn đạt bằng lời, bố mẹ nên ôm, vỗ về và an ủi nhẹ nhàng để giúp trẻ giảm sợ hãi. Đối với những trẻ có khả năng diễn đạt, bố mẹ nên khuyến khích con nói ra và đồng thời giải thích đúng sự thật cho trẻ.
Trẻ rụt rè, luôn thu mình
Một số trẻ có thể tỏ ra thu mình, ít hòa đồng, đặc biệt khi đi học mẫu giáo. Trẻ thường ngồi một mình, không tương tác với các bạn khác, không chủ động tham gia vào hoạt động chơi cùng bạn bè, thậm chí không tham gia vào các hoạt động tập thể như tập thể dục.
Nghiên cứu tâm lý cho thấy hành vi rút lui thường xuất hiện khi trẻ ở trong một môi trường xa lạ. Trẻ có xu hướng nghĩ rằng, bản thân không thể vượt qua những khó khăn và lo lắng về việc mình trở nên ngu ngốc trước mặt bạn bè, giáo viên hoặc bố mẹ. Do đó, họ tự bảo vệ bằng cách thu mình lại.
Hành vi này thể do trẻ có khả năng thích ứng kém bẩm sinh, nhưng có thể liên quan đến việc bố mẹ thường ngăn cản con tương tác với những đứa trẻ khác, vô tình khiến trẻ trở nên rụt rè.
Chuyên gia gợi ý cách: Cùng con tham gia các hoạt động ngoài trời.
Bố mẹ nên tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích trẻ chơi cùng những đứa trẻ khác. Bố mẹ cũng nên dành nhiều thời gian hơn để cùng con tham gia vào các hoạt động xã hội ngoài trời, nhằm giúp trẻ học cách thích nghi với môi trường bên ngoài. Khi trẻ đến trường, bố mẹ có thể nhờ giáo viên tạo điều kiện để con chơi nhiều hơn cùng các bạn.
Chán ăn hay thường xuyên bỏ bữa
Trẻ có thể trở nên biếng ăn kéo dài, không thích ăn hoặc có sự kén chọn mạnh mẽ với thức ăn, bỏ qua rau và thịt. Những trẻ thuộc nhóm này thường gầy, có hệ miễn dịch yếu, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
Bố mẹ thường cho rằng việc trẻ biếng ăn chủ yếu là do vấn đề về thể chất, nhưng thực tế nó còn liên quan đến các yếu tố tâm lý. Nếu trẻ đang trải qua căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi hoặc không thuận lợi trong khi ăn, là những dấu hiệu phổ biến của các rối loạn tâm lý.
Chuyên gia gợi ý cách: Tạo một môi trường ăn uống thoải mái và dễ chịu.
Nếu trẻ có những biểu hiện như vậy, ngoài việc đưa trẻ đi khám toàn diện, bố mẹ nên quan tâm đến tâm lý của trẻ. Khi trẻ không muốn ăn, tránh quát mắng, ép buộc, dỗ dành.
Thay vào đó, bố mẹ nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân tâm lý khiến trẻ biếng ăn, áp dụng các biện pháp gợi mở, khuyến khích để tạo cho trẻ môi trường ăn uống thoải mái, dễ chịu.
Tự ngược đã bản thân
Một số trẻ nhỏ khi không được đáp ứng yêu cầu sẽ có biểu hiện hành vi tự ngược đãi bản thân như đập đầu vào tường, lắc đầu, lăn lộn, tự cấu véo mình, gãi tóc, bứt tai… Bố mẹ cũng cần lưu ý.
Khi yêu cầu không được đáp ứng hoặc bị kích thích cảm xúc, trẻ sẽ có những biểu hiện tự hành hạ bản thân. Đây có thể là dấu hiệu của sự bất an.
Chuyên gia gợi ý cách: Tìm hiểu lý do tại sao trẻ tự ngược đãi bản thân.
Phần lớn trẻ sẽ có hành vi tự ngược đãi bản thân do không được đáp ứng nhu cầu, có thể do yếu tố tâm lý. Bố mẹ nên tìm ra nguyên nhân và hướng dẫn trẻ điều chỉnh. Nếu cần, bố mẹ nên nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn tâm lý.