Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 02/01/2025 06:54 (GMT+7)

07 thay đổi lớn về Giấy phép lái xe người dân cần lưu ý từ năm 2025

Theo dõi GĐ&PL trên

Từ 01/01/2025, hàng loạt các quy định mới liên quan đến Giấy phép lái xe sẽ bắt đầu có hiệu lực trong đó, có những quy định đáng chú ý như thay đổi phân hạng giấy phép lái xe; Mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm;...

Khuyến khích đổi GPLX không thời hạn được cấp trước 01/7/2012

Đây là một trong những quy định đáng chú ý tại Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

Theo đó, khuyến khích đổi giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 01/7/2012 sang giấy phép lái xe mẫu mới từ 01/01/2025. (GPLX trước tháng 07/2012 là dạng giấy bìa, sau thời điểm trên là dạng PET).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ 01/01/2025, người có giấy phép lái xe được đổi, cấp lại GPLX trong các trường hợp: Giấy phép lái xe bị mất; Giấy phép lái xe bị hỏng không còn sử dụng được; Trước thời hạn ghi trên giấy phép lái xe; Thay đổi thông tin ghi trên giấy phép lái xe; Giấy phép lái xe nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng; Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe từ năm 2025

Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2025, từ năm 2025 giấy phép lái xe sẽ tăng lên 15 hạng là A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE, còn theo Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ có 13 hạng gồm: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FC và FE.

Đồng thời, Luật cũng thay đổi loại xe được lái trong từng hạng, ví dụ như:

Hạng A1 mới cấp cho người lái xe mô tô từ trên 50 phân khối đến 125 phân khối (quy định cũ là từ 50 - dưới 175 phân khối);

Hạng A mới cấp cho người lái xe mô tô trên 125 phân khối (quy định cũ là bằng A2 dành cho người lái xe mô tô trên 175 phân khối);

Hạng B1 mới không còn cấp cho người lái xe ô tô như bằng B1 hiện nay mà sẽ cấp cho người lái xe mô tô 03 bánh;

Hạng B được gộp giữa hạng B1 và B2.

Vừa qua, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã ban hành Công văn 8976/CĐBVN-QLVT, PT&NL ngày 25/12/2024 về việc công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi GPLX theo phân hạng GPLX mới.

Theo đó, để việc cấp GPLX theo các hạng mới được đảm bảo thì từ ngày 01/01/2025, các Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ, cơ sở đào tạo lái xe và trung tâm sát hạch lái xe có kế hoạch tổ chức cấp đổi, sát hạch cho người dân và ký số toàn bộ danh sách trúng tuyển, danh sách cấp đổi giấy phép lái xe trước 17 giờ ngày 31/12/2024 để đảm bảo in trả GPLX cho người dân theo phân hạng GPLX cũ.

Mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm

Từ năm 2025, nếu bằng lái xe bị trừ hết điểm thì người lái xe bắt buộc phải thi lại và phải đợi ít nhất 06 tháng sau mới được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, từ 01/01/2025, mỗi bằng lái xe sẽ có 12 điểm. Trong quá trình tham gia giao thông, tài xế khi vi phạm các quy định về luật an toàn giao thông sẽ bị trừ từ 02 - 12 điểm tùy vào tính chất, mức độ vi phạm.

Trường hợp bằng lái bị trừ hết điểm thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo bằng lái xe đó.

Và để được phục hồi lại điểm Giấy phép lái xe, khoản 3 Điều 58 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định, sau khi bị trừ hết điểm ít nhất là 06 tháng thì người có bằng lái xe bị trừ hết điểm mới được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Và nếu có kết quả đạt yêu cầu thì người lái xe mới được phục hồi đủ 12 điểm.

Thay đổi thời hạn của giấy phép lái xe

Do có sự thay đổi trong phân hạng giấy phép lái xe nên thời hạn cũng có sự thay đổi. Cụ thể:

- Giấy phép lái xe hạng A1, A, B1: Không có thời hạn.

- Giấy phép lái xe hạng B, hạng C1: Thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.

- Giấy phép lái xe hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE: Thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.

Trong khi đó, tại Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định cụ thể thời hạn của các loại giấy phép lái xe mà thời hạn của từng hạng GPLX được nêu tại Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.

Điều 17. Thời hạn của giấy phép lái xe

1. Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.

2. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

3. Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

4. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.

Sẽ có 02 mẫu GPLX mới chính thức áp dụng từ 01/01/2025

Khoản 1 Điều 31 Thông tư 35/2024/TT-BGTVT quy định, từ 01/01/2025 sẽ áp dụng 02 mẫu Giấy phép lái xe mới

Mẫu 1: Được áp dụng từ ngày 01/01/2025 đến hết 31/12/2025 theo mẫu số 01 tại Phụ lục XXIV Thông tư này.

Mẫu 2: Được áp dụng từ 01/01/2026 theo mẫu số 02 tại Phụ lục XXIV Thông tư 35/2024/TT-BGTVT.

Trong đó, mẫu 1 thì về cơ bản giống với mẫu GPLX tại Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT ngày 27/01/2021. Còn mẫu 02 áp dụng từ 01/01/2026 sẽ có nhiều sự thay đổi về hình thức trên cả 02 mặt Giấy phép. Cụ thể:

Hình thức:

- Có hoa văn màu hồng và các ký hiệu bảo mật (mẫu cũ là màu vàng rơm);

- Mã QR được chuyển sang góc phải trên cùng trên mặt sau của Giấy phép;

Cách trình bày thông tin trên mẫu GPLX áp dụng từ 01/01/2026:

- Thông tin trên mặt trước GPLX sẽ được đánh số như sau:

(1) Họ của người lái xe;

(2) Tên của người lái xe;

(3) Ngày tháng năm sinh và quốc gia nơi sinh của người lái xe;

(4a) Ngày cấp giấy phép lái xe;

(4b) Ngày hết hạn giấy phép lái xe;

(4c) Cơ quan cấp giấy phép lái xe;

(5) Số giấy phép lái xe;

(6) Ảnh chân dung (không đánh số);

(7) Chữ ký của người lái xe;

(8) Địa chỉ cư trú của người lái xe;

(9) Các hạng giấy phép lái xe được phép lái được quy định tại mục 1 Mẫu số 03 Phụ lục này.

Mặt sau của Giấy phép: Được đánh số, gồm 04 cột, mỗi cột được đánh số, hiển thị những thông tin sau:

(1) Cột 10 hiển thị các loại xe (hạng xe) được phép điều khiển;

(2) Cột 11 hiển thị ngày cấp giấy phép lái xe;

(3) Cột 12 hiển thị ngày hết hạn của giấy phép lái xe;

(4) Cột 13 hiển thị các mã số giấy phép lái xe, được quy định tại mục 3 Mẫu số 02 Phụ lục này.

Thay đổi độ tuổi được phép lái xe

Song song với sự thay đổi của phân cấp hạng giấy phép lái xe, Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:

- Đủ 16 tuổi trở lên: Điều khiển xe gắn máy (quy định cũ là xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3).

- Đủ 18 tuổi trở lên, được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1 và cấp chứng bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ: Lái xe máy chuyên dùng.

(Quy định cũ chỉ yêu cầu đáp ứng điều kiện đủ 18 tuổi là được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg; xe ô tô chở người đến 09 chỗ ngồi)

- Đủ 21 tuổi trở lên: Cấp GPLX hạng C, BE (quy định cũ là được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2)).

- Đủ 24 tuổi trở lên: Cấp GPLX hạng D1, D2, C1E, CE (quy định cũ được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC)).

- Đủ 27 tuổi trở lên: Cấp GPLX hạng D, D1E, D2E, DE (quy định cũ được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD)).

Đồng thời, điểm e khoản 1 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ giới hạn độ tuổi cao nhất và thấp nhất được lái xe gồm: Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Trong khi đó, điểm e khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

Như vậy, độ tuổi của lái xe trong trường hợp này cũng được tăng thêm so với trước đây.

GPLX ô tô quá hạn 01 ngày cũng phải thi lại lý thuyết

Theo khoản 2 Điều 34 Thông tư 35/2024/TT-BGTVT quy định về người có giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE quá thời hạn sử dụng như sau:

- Quá hạn dưới 01 năm kể từ ngày hết hạn: Phải thi lại lý thuyết để cấp GPLX.

- Quá hạn từ 01 năm trở lên kể từ ngày hết hạn: Phải thi cả lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường để cấp bằng.

Mà Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 cũng quy định, người dân được đổi, cấp lại GPLX trước thời hạn ghi trên GPLX. Điều này cũng có nghĩa là nếu thời hạn bằng lái xe quá hạn dù chỉ 01 ngày thì khi muốn đổi sang GPLX mới cũng sẽ phải sát hạch lại.

Trước đây khoản 1 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT) quy định, cho phép giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng thì chủ xe vẫn được cấp lại mà không cần phải sát hạch lại lý thuyết.

Cùng chuyên mục

Đang chấp hành án treo mà tiếp tục phạm tội thì bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Không có số điện thoại thì xác thực tài khoản mạng xã hội thế nào?
Trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Tin mới