Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN
Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ các điều kiện để tập trung phát triển hơn nữa y tế chuyên sâu. Việc xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là điều cần thiết.
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN” do Báo Tiền Phong phối hợp với Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức. Hội thảo diễn ra ngày 19/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống y tế của Thành phố hiện nay gồm 129 bệnh viện, trong đó có 12 bệnh viện bộ, ngành chuyên sâu tuyến cuối của cả nước, góp phần làm nền tảng phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn.
Cùng với đó còn có 32 bệnh viện tuyến Thành phố, 19 bệnh viện quận/huyện, 66 bệnh viện tư nhân, 22 trung tâm y tế quận/huyện, 310 trạm y tế xã/phường/thị trấn và hơn 8.000 phòng khám tư nhân đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Cùng với sự phát triển không ngừng của đời sống kinh tế, xã hội và nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu phát triển y tế chuyên sâu, hướng đến trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN. Mới đây, Sở Y tế Thành phố tổ chức thành công Hội nghị “Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo đó, chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp gồm: Xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở; cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; giải pháp để Thành phố trở thành điểm đến du lịch y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.
Trên cơ sở đó, Sở Y tế đề xuất lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận phân cụm hệ thống y tế thành 3 cụm y tế. Đó là “Cụm y tế trung tâm” gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối hiện hữu trên địa bàn các quận trung tâm của Thành phố, tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế chuyên sâu.
“Cụm y tế Tân Kiên” đang trên lộ trình hiện thực hóa thành những cơ sở y tế chuyên sâu với cơ sở hạ tầng hiện đại, hướng đến trong tương lai không xa giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cụm y tế chuyên sâu thứ 3 là “Cụm y tế Thủ Đức” đang hình thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, phát triển y tế vùng Đông Nam Bộ. Thời gian tới, Thành phố chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp như: Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, củng cố y tế cơ sở, phát triển y tế cộng đồng, chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện…
“Việc xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là điều cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước, không để người dân ra nước ngoài chữa bệnh vừa thu hút du lịch y tế”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định.
Ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn là trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam của cả nước. Hiện các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh có điểm đánh giá chất lượng bệnh viện tốt hơn nhiều so với trung bình chung cả nước, không có nhóm tiêu chí nào dưới 3,5 điểm.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, để Thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; đột phá về y tế chuyên sâu, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế.
Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN” có sự tham dự của nhiều lãnh đạo bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam. Cùng với đó là sự tham gia của các trường đại học đào tạo khối sức khỏe trên cả nước. Hội thảo được chia thành 2 phiên chuyên đề: Phát triển y tế chuyên sâu chăm sóc người bệnh trong nước và quốc tế; sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Hội thảo hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề bức thiết hiện nay, giúp ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, tạo thế mạnh cạnh tranh với các nước trong khu vực.