Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 12/10/2023 10:18 (GMT+7)

Ngành y tế TPHCM triển khai chuỗi hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân

Theo dõi GĐ&PL trên

Ngành y tế TPHCM đang triển khai một chuỗi hoạt động mang tính đồng bộ nhằm đạt mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân và chuyên môn hóa mạng lưới nhân viên y tế, người hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần…

Thực hiện kế hoạch số 4295/KH-UBND ngày 6/9/2023 về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành y tế đang triển khai một chuỗi hoạt động mang tính đồng bộ nhằm đạt mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân và chuyên môn hóa mạng lưới nhân viên y tế, người hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần; tạo môi trường để người dân tự chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần của mình, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện, nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố. Nội dung bao gồm từ hoạt động dự phòng, tầm soát phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe tâm thần cho các nhóm đối tượng khác nhau đến những giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tâm thần tại cơ sở y tế trong thời gian tới.

Hiện nay, TPHCM đã hình thành mạng lưới chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần từ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế phường bao gồm 1 bệnh viện chuyên khoa tâm thần, 4 bệnh viện đa khoa, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi có khoa tâm thần và 22 trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai phòng khám tâm thần ngoại trú với khoảng 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần.

Ngành y tế TPHCM triển khai chuỗi hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân
Tập huấn thực tế chẩn đoán, điều trị, quản lý một số rối loạn tâm thần phổ biến. (Ảnh: Sở Y tế TPHCM).

Mô hình “Cấp cứu trầm cảm” - hoạt động phối hợp giữa Trung tâm Cấp cứu 115 với Bệnh viện Tâm thần thành phố nhằm kịp thời tiếp cận người bệnh có biểu hiện trầm cảm nặng để đưa người bệnh đến cơ sở điều trị chuyên khoa; rất nhiều bệnh nhân có ý định tự sát đã được chăm sóc, điều trị kịp thời. Mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng, nhân viên y tế tại tuyến cơ sở tiếp tục được tập huấn xử trí các vấn đề cấp cứu tâm thần.

Trong năm 2023, chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần đã được tích hợp vào chương trình Quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở (chương trình WHO-PEN) với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của WHO. Các bác sĩ của 43 trạm y tế, 10 trung tâm y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã tham dự khóa đào tạo “Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tuyến y tế cơ sở”. Các chuyên gia của bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1, Bệnh viện Tâm thần thành phố trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn cho các học viên về phát hiện, chẩn đoán, điều trị quản lý một số rối loạn tâm thần phổ biến theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc hỗ trợ không chỉ bao gồm nâng cao năng lực mà còn hỗ trợ nhằm tháo gỡ các rào cản giúp cán bộ y tế tuyến cơ sở có thể thực hiện cung cấp dịch vụ từ phát hiện, điều trị và quản lý một số rối loạn tâm thần phổ biến ngay tại các trung tâm y tế, trạm y tế và cộng đồng một cách có hệ thống và bền vững.

Trong 3 tháng cuối năm 2023, ngành y tế TPHCM tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WHO và chuyên gia của Tổ chức BasicNeeds triển khai thí điểm mô hình phát hiện và quản lý trầm cảm vừa và nhẹ dựa vào cộng đồng bằng giải pháp không dùng thuốc với thông điệp “Trầm cảm có thể điều trị được - Đừng để quá muộn”. Theo đó, WHO sẽ hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, cộng tác viên y tế để phát hiện, điều trị và quản lý một số rối loạn tâm thần phổ biến, bao gồm rối loạn trầm cảm và lo âu tại các trạm y tế và cộng đồng. Sau đó sẽ tiến hành sàng lọc tìm ra những người trầm cảm vừa và nhẹ để tổ chức tư vấn nhóm tại cộng đồng. Sau khi thí điểm tại 5 trạm y tế trên địa bàn TPHCM, Sở Y tế sẽ tổng kết kinh nghiệm và huy động nguồn lực của thành phố để triển khai mở rộng ra các trạm y tế còn lại trong năm 2024.

Ngoài ra, việc tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần cho các nhóm đối tượng khác nhau cũng được triển khai.

Đối với nhóm người cao tuổi, ngành y tế đã lồng ghép khám, tầm soát phát hiện các vấn đề rối loạn phát triển liên quan sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi trong chương trình triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TPHCM.

Đối với nhân viên y tế, Sở Y tế đang triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch số 385/KH-SYT ngày 18/1/2023. Một số hoạt động chính bao gồm xây dựng các tài liệu truyền thông về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế, cách tự phát hiện và hướng dẫn cách để được tham vấn điều trị; thành lập các phòng tư vấn sức khỏe tâm thần và mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, trong đó mỗi bệnh viện sẽ có 1 - 2 nhân viên phụ trách (từ phòng công tác xã hội hoặc phòng điều dưỡng) được tập huấn đào tạo…

Đối với học sinh, sinh viên, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học cùng chuyên gia tâm lý của các trường đại học để xây dựng kế hoạch dự phòng tầm soát, phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe tâm thần học đường; thống nhất nội dung khám sức khỏe có bổ sung tầm soát vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh trong đầu năm và chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu khám sức khỏe của học sinh…

Các hoạt động dự phòng tầm soát, phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe tâm thần cho người mẹ trong giai đoạn mang thai và hậu sản, cho các nhóm người yếu thế (trẻ em mồ côi, người lang thang, cơ nhỡ…) cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế, viện, trường đại học, tổ chức nghề nghiệp trong nước và thế giới để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong triển khai những hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân thành phố, nhằm mục tiêu thực hiện bảo vệ sức khỏe tâm thần như một quyền phổ quát mà mọi người đều có được.

Cùng chuyên mục

Hơn 500 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai được chủ cửa hàng bánh mì thanh toán viện phí
Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cửa hàng bánh mì B. (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) khiến hơn 500 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, ngày 16/5, ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, bước đầu chủ cơ sở bánh mì đã khắc phục hậu quả, thanh toán hơn 580 triệu đồng viện phí cho các bệnh nhân.

Tin mới

Nhờ cơ chế đặc thù, Đà Nẵng sẽ bật lên “như chiếc lò xo”
Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Phó Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Nếu có cơ chế, chính sách đặc thù thì Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh và bền vững”. Còn Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng thì ví sự phát triển của Đà Nẵng như chiếc lò xo sẽ bật ra.