Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 27/02/2023 16:34 (GMT+7)

"Xanh hóa" để hàng Việt đứng vững trên kệ bán lẻ quốc tế

Theo dõi GĐ&PL trên

Hàng Việt đã bước đầu thâm nhập vào hệ thống bán lẻ quốc tế, tuy nhiên, để giữ vững được lợi thế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn về môi trường

Hàng Việt xuất hiện tại nhiều siêu thị quốc tế lớn

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, trong thời gian qua, để hàng Việt thâm nhập hệ thống bán lẻ quốc tế, ngành công thương đã liên tục tổ chức Tuần hàng Việt tại Nhật Bản, châu Âu… Thông qua hoạt động này, nhiều loại sản phẩm Việt Nam đã được đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị trong hệ thống Aeon tại Nhật Bản.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống phân phối ở nước ngoài đã được triển khai mạnh mẽ. Đến nay hàng Việt, đặc biệt là nông sản như vải thiều, thanh long, chuối, nước mắm....đã được bầy bán tại các siêu thị lớn của Pháp, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan...

Tuần hàng Việt tổ chức tại AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam
Tuần hàng Việt tổ chức tại AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam.

Thông tin về việc đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ Hoa Kỳ tiêu thụ, Giám đốc cao cấp Phụ trách nguồn cung của Tập đoàn Walmart (Hoa Kỳ) Aly Ansari cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đang dần trở thành trọng điểm sản xuất, cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối của Walmart với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD.

“Do tình hình xung đột thương mại và xu hướng dịch chuyển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang được kỳ vọng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của Tập đoàn Walmart. Vì vậy, thời gian tới, Walmart đặt mục tiêu thu mua từ Việt Nam số lượng lớn” - ông Aly Ansari nhấn mạnh.

Tương tự, đại diện Tập đoàn Decathlon (doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ hàng đầu châu Âu, chuyên cung cấp tất cả các sản phẩm thể thao) thông tin, hiện hàng hóa sản xuất ở Việt Nam của tập đoàn này được xuất đi 14 cảng biển trên thế giới, với thị trường chủ đạo bao gồm các nước châu Âu như: Pháp, Nga, Bồ Đào Nha, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ.

“Trong giai đoạn 2019 - 2020, 52% sản phẩm dệt may của Tập đoàn Decathlon bán trên toàn cầu được sản xuất ở Việt Nam, mặt hàng giày dép là 34%”- vị đại diện Tập đoàn Decathlon dẫn chứng.

Tuần hàng Việt tổ chức tại Mega Market. Ảnh: Hoài Nam
Tuần hàng Việt tổ chức tại Mega Market. Ảnh: Hoài Nam.

Thông tin từ Tập đoàn Decathlon cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam với ưu thế như cân bằng giữa chi phí lao động và kỹ năng nhân công ở trình độ trung bình cao, nên trong những năm tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành địa điểm sản xuất hàng hóa lớn thứ 2 thế giới của Tập đoàn Decathlon.

Chú trọng yếu tố bền vững

Theo các chuyên gia kinh tế, để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thông qua mạng lưới phân phối nước ngoài thì việc đáp ứng các “tiêu chí bền vững” là yếu tố hết sức quan trọng.

Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam Shiotani cho biết, trước đây 70% kim ngạch nhập khẩu chuối tươi của Tập đoàn Aeon là sản phẩm của Philippines. Tuy nhiên, đến năm 2022, Aeon bắt đầu triển khai nhập chuối từ Việt Nam và người tiêu dùng cũng đưa ra nhận định, chuối Việt Nam có vị tươi ngon hơn hẳn so với các nước khác. Do đó, thời gian tới Aeon sẽ mở rộng và nâng sản lượng nhập khẩu chuối Việt Nam vào hệ thống Aeon Nhật Bản.

“Nguyên nhân là do doanh nghiệp trồng chuối Việt Nam đã có một hệ thống sản xuất tuần hoàn. Ngoài trồng chuối doanh nghiệp có mô hình nuôi thủy hải sản, gia súc và phân bón và quay trở lại bón cho cây chuối... Với mô hình khép kín này, lượng rác thải gần như bằng 0% đáp ứng được những tiêu chuẩn sản xuất bền vững thân thiện môi trường của AEON” - ông Shiotani phân tích.

Tuần hàng Việt tổ chức tại AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam
Tuần hàng Việt tổ chức tại AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam.

Tương tự, để trở thành nhà cung ứng hàng hóa cho hệ thống bán lẻ quốc tế, ông Aly Ansari cũng lưu ý, để đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ Walmart, các nhà cung ứng cần đảm bảo yếu tố về tuân thủ luật pháp, quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần đồng hành thực thi trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và môi trường.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, không chỉ các tập đoàn phân phối mới đặt yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững với hàng hóa Việt Nam, với mục tiêu đưa phát thải carbon về bằng 0, hiện EU cũng đang triển khai Thỏa thuận Xanh châu Âu. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ phải đáp ứng được yêu cầu nhất định về môi trường.

Phân tích những quy định của Thỏa thuận Xanh châu Âu sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng Việt vào EU, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nêu rõ, một trong những ngành của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh châu Âu là dệt may và giày dép. Cụ thể, EU sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời phải được dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt.

Tuần hàng Việt tổ chức tại AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam
Tuần hàng Việt tổ chức tại AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam

Không chỉ vậy, tất cả các ngành hàng cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi EU yêu cầu bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Quy định này sẽ tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì, cũng như doanh nghiệp sử dụng bao bì cho các sản phẩm xuất khẩu.

Tương tự, ngành nông thủy sản cũng sẽ đối mặt với những khó khăn khi Thỏa thuận Xanh đưa ra quy định yêu cầu doanh nghiệp nông nghiệp phải thay đổi quy trình sản xuất theo hướng giảm thiểu chất thải, giảm sử dụng hóa chất độc hại.

Như vậy, để hàng Việt có được “chỗ đứng” vững chắc trên các kệ hàng của nhà bán lẻ quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Để làm được việc này đòi hỏi các địa phương tập trung hỗ trợ cho những sản phẩm có thế mạnh, doanh nghiệp sản xuất “đầu tầu”. Qua đó tạo động lực cho ngành hàng xâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối nước ngoài.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng bằng mã QR
Ngày 02/5 vừa qua, Bộ TN&MT bắt đầu tổ chức công khai lấy ý kiến của người dân và các bộ, ban, ngành, địa phương đối với dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính. Trong đó, có đề xuất về việc in mã QR trong GCNQSDĐ. Sau khi lấy ý kiến, Bộ TN&MT sẽ ban hành Thông tư và đưa vào triển khai thực hiện từ 01/01/2025.