Đồng USD lao dốc về đáy 3 năm, giới đầu tư tháo chạy
Đồng USD vừa ghi nhận mức suy yếu mạnh nhất trong vòng ba năm trở lại đây, giữa lúc căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell leo thang.
Giới đầu tư toàn cầu đang tháo chạy khỏi tài sản Mỹ, làm dấy lên lo ngại về những rủi ro chính trị và tài chính lớn hơn trong thời gian tới.

Trong phiên giao dịch ngày 21/4 (giờ Việt Nam), chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt đã giảm xuống 97,92 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Đây là cú trượt mạnh của USD sau nhiều tháng giữ vững đà tăng nhờ chính sách lãi suất cao và dòng tiền đầu tư an toàn.
Theo CNBC và FactSet, đà giảm bắt đầu từ đầu tháng 4, nhưng trở nên rõ nét hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không cắt giảm lãi suất như kỳ vọng. Đáng chú ý, một số cố vấn của Nhà Trắng, trong đó có Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett đã để ngỏ khả năng chính quyền sa thải Chủ tịch Powell, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại.
“Thị trường đang phản ứng với nỗi lo rằng Nhà Trắng đang can thiệp vào sự độc lập của Fed,” Krishna Guha - Phó Chủ tịch hãng phân tích Evercore ISI nhận định trên chương trình Squawk Box (CNBC). “Sự kết hợp giữa USD suy yếu và lợi suất trái phiếu tăng cho thấy dòng vốn đang rời khỏi Mỹ.”

Đồng quan điểm, ông Andy Laperriere - Giám đốc chiến lược tại Piper Sandler, cảnh báo trong bản tin gửi nhà đầu tư: “Việc đánh giá thấp các động thái của ông Trump là sai lầm. Ông ấy đang thật sự muốn tái định hình trật tự cũ ở Washington.”
Rủi ro vượt ra ngoài tài chính
Hiện tại, các tài sản trú ẩn như euro, yen Nhật và franc Thụy Sĩ đều tăng giá. Riêng đồng euro đã tăng 1,3% so với USD trong phiên đầu tuần. Điều này cho thấy rõ xu hướng phòng vệ rủi ro của giới đầu tư toàn cầu.
Việc đồng USD suy yếu không chỉ khiến hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ, mà còn đe dọa vị thế của USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, nợ công Mỹ tăng mạnh và môi trường chính trị bất ổn, những biến động về tỷ giá có thể tạo ra làn sóng chấn động lan rộng sang thị trường toàn cầu.
Chủ tịch Powell hiện chưa đưa ra phát ngôn chính thức, nhưng trong quá khứ ông từng khẳng định sẽ “không từ chức nếu bị yêu cầu”. Giới phân tích cho rằng bất kỳ động thái trực tiếp nào nhằm thay đổi lãnh đạo Fed cũng sẽ vấp phải phản ứng mạnh từ Quốc hội và các tổ chức tài chính lớn trên thế giới.