Vụ tử vong tại BV Gangwhoo: Hội đồng khoa học Sở Y tế TP.HCM không làm hết trách nhiệm!
Ngày 15/11, sau gần một tháng xảy ra sự cố khiến một phụ nữ 51 tuổi tử vong sau khi hút mỡ bụng tại bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra kết luận… như được “copy” từ giấy xuất viện của bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo đó, Sở đề xuất “xử phạt hành chính” khi kết quả “mổ xẻ” những vấn đề khuất tất liên quan đến quá trình phẫu thuật, hậu phẫu, xử lý tai biến… lại không thấy nêu ra, khiến cho dư luận vô cùng bức xúc và đặt ra câu hỏi về tính khách quan, trách nhiệm của Hội đồng khoa học để “bỏ lọt”, thậm chí là bao che cho sai phạm?.
Khuất tất!
Theo ông Bùi Ngọc Vĩnh kể, ngày 8/10, Sở Y tế TP có mời gia đình tới dự buổi làm việc liên quan đến trường hợp bà xã tôi tử vong sau khi hút mỡ bụng tại bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo. Sau khi giới thiệu sơ qua về các thành phần tham dự, họ mời các bên liên quan (bệnh viện Gangwhoo và Chợ Rẫy) báo cáo về vụ việc.
Điều đáng nói là, trong khi bệnh viện Chợ Rẫy chỉ là nơi tiếp nhận xử lý, giải quyết sự cố tai biến thì lại cử bác sĩ điều trị tới trực tiếp báo cáo. Họ thông tin tỉ mỉ, kỹ càng từng thông số diễn biến sức khoẻ, các phương pháp, các loại thuốc… dùng cho vợ tôi từ khi nhập viện cho đến khi qua đời.
Trong khi đó, dù là liên quan trực tiếp tới việc phẫu thuật và tử vong nhưng phía bệnh viện Gangwhoo chỉ báo cáo sơ sài, chung chung như “ekip phẫu thuật”, khám tiền phẫu, có bác sĩ hồi sức cấp cứu… mà không nói cụ thể là ai gây mê, ai hồi sức (ngoài việc bác sĩ Phùng Mạnh Cường tôi biết vì đây là bác sĩ mà bà xã tôi lựa để phẫu thuật), cũng như không nói rõ phương pháp hút mỡ là phương pháp nào?. Bệnh viện Gangwhoo vào thời điểm phẫu thuật cho vợ tôi có đủ nhân sự như đăng ký hay không?. Lịch trực, làm việc thế nào khi quay đi quẩn lại chỉ thấy mỗi ông Cường đứng ra?.
Điều khiến gia đình tôi bức xúc là Hội đồng khoa học do ông Lê Hành (chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM) chủ trì. Mà tôi đọc báo thì thấy ông Phùng Mạnh Cường người trực tiếp phẫu thuật cho bà xã tôi là học trò của ông Lê Hành thì liệu có khách quan, thiên vị?. Bởi đến thời điểm cuộc họp diễn ra, “ông chủ tịch” hội đồng là bác sĩ Lê Hành không xem xét kỹ hồ sơ vụ việc, không nắm đầy đủ thông tin, lý lịch về nhân sự, cá nhân liên quan thì sao có thể chủ trì và kết luận toàn diện, khách quan và đầy đủ?. Thế nhưng nó “góp phần” giao cho thanh tra Sở Y tế “phạt hành chính”.
Vì những lẽ trên, gia đình tôi yêu cầu cơ quan chức năng trả lời cho dư luận được rõ những vấn đề sau:
Thứ nhất: Phương pháp hút mỡ theo công nghệ giảm mỡ Lipo Ultrasound mà bệnh viện quảng cáo và vợ tôi đã đồng ý thực hiện là gì?. Quá trình phẫu thuật có sử dụng thuốc men hay cấy tế bào tăng trưởng trở lại cơ thể không, nếu có thì cấy bao nhiêu? Hệ thống thiết bị hút mỡ Body Jet được dùng hút mỡ đã được cấp phép nhập khẩu và kiểm thẩm định chưa? Quy trình vận hành hoạt động, bảo dưỡng kiểm định thế nào (khi mà mấy tháng trời thiết bị ngưng hoạt động vì dịch)?
Thứ hai: Hội đồng khoa học có tìm hiểu quy trình tiền phẫu, hậu phẫu hay không? Xét nghiệm tiền phẫu thế nào, ai làm, làm gì?. Trong khi khách hàng làm xét nghiệm tại bệnh viện Gangwhoo thường sau một ngày mới có kết quả. Thậm chí bản thân vợ tôi sau khi có biến chứng đem mẫu đi xét nghiệm cũng từ 17 giờ ngày 16/10 đến 8 giờ ngày 17/10 mới có kết quả. Vậy mà 8 giờ 15 phút ngày 16/10 khách hàng làm thủ tục xét nghiệm “siêu tốc” thì 9 giờ 20 đã vào phòng phẫu thuật. Bệnh viện quảng cáo thời gian phẫu thuật 60 phút nhưng sao lại mất 2 tiếng?.
Thứ ba: Ai là bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ hồi sức phải chịu trách nhiệm khi “câu lưu” vợ tôi tại bệnh viện trong 30 giờ đồng hồ, khiến vợ tôi không được cứu chữa kịp thời? Bác sĩ điều trị cho vợ tôi có đúng phạm vi chuyên môn không?. Vì sao vợ tôi tai biến sau phẫu thuật (kết luận có dấu hiệu nhiễm trùng) mà không thấy cập nhật thuốc men kháng sinh…? Vì sao bệnh viện Gangwhoo và Sở Y tế TP lại “giấu giếm” chúng tôi việc bác sĩ nào cấp cứu?
Thứ tư: Ngoài việc thuốc men sử dụng trong quá trình suốt 30 tiếng đồng hồ thì việc bệnh viện Gangwhoo có được giữ bệnh nhân lưu trú qua đêm không?. Việc họ “câu lưu, giam lỏng” vợ tôi khi bị biến chứng như vậy là có dấu hiệu tắc trách nhưng không ai lý giải cho gia đình hay biết!.
Thứ năm: Việc cấp phép cho bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo thẩm định, kiểm định thế nào? Tại sao quá trình xử lý sự cố và trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân lại như gia đình phản ánh là không đảm bảo?.
Cần xem xét khởi tố
Cầm văn bản trả lời từ Sở Y tế, ông Bùi Ngọc Vĩnh không khỏi bức xúc: Trong khi không có thông tin từ giám định pháp y thì việc lập hội đồng khoa học để Sở Y tế đưa ra kết luận như được “copy” từ giấy xuất viện của bệnh viện Chợ Rẫy và đề xuất “xử phạt hành chính” có khách quan, trách nhiệm hay quá vội vàng?. “Hội đồng khoa học” làm vậy khác nào “thầy bói xem voi”.
Theo ông Vĩnh, việc triệu tập bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy từng cứu chữa cho bệnh nhân sau khi bị tai biến là “tinh thần trách nhiệm” hay "đá bóng trách nhiệm"?. Bởi, vợ tôi chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy là để chữa trị khi đã có những triệu chứng biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật. Các thông tin về tình trạng, phác đồ điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy đầy đủ và chuẩn chỉ vậy về cơ bản chỉ cần sao chép, trích lục là xong, chỉ khi nào thực sự cần thiết thì lấy ý kiến. Chứ không lẽ quy trình tại bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa cho bệnh nhân có vấn đề nên phải trưng cầu bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy tới dự?. Trong khi bệnh viện Gangwhoo thì lại báo cáo qua loa đại khái.
Trước những bức xúc của gia đình nạn nhân, Phóng viên Ngày Nay đã liên hệ với ông Lê Hành (Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM) người chủ trì Hội đồng khoa học trên để tìm hiểu vụ việc thì được biết, ông Lê Hành và một số thành viên tham dự hôm đó không hề xem xét kiểm tra chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật cũng như bác sĩ gây mê hồi sức. Không xem cụ thể bác sĩ có được cấp phép hút mỡ không?
“Tôi tin tưởng rằng ông Phùng Mạnh Cường mổ hàng ngàn ca rồi thì phải có giấy phép. Việc xem xét bằng cấp phạm vi chuyên môn là của Sở Y tế. Sở phải đảm bảo với chúng tôi rằng ông Cường có chứng chỉ hành nghề, đúng phạm vi chuyên môn. Tôi được biết, ông Cường là bác sĩ có bằng cấp, chứng chỉ về phẫu thuật thẩm mỹ. Trong phẫu thuật thẩm mỹ có phạm vi đầu mặt cổ, bụng, chi…. Bác sĩ có chứng chỉ thẩm mỹ thì được làm. Chúng tôi không xem xét vấn đề giấy tờ này. Chúng tôi chỉ tập trung vào chuyên môn sâu”, ông Lê Hành khẳng định.
“Những thông tin anh cần thì nên hỏi Sở Y tế để rõ hơn và yêu cầu họ cung cấp. Hội đồng khoa học chỉ lập ra xem xét vụ việc xong thì giải tán rồi”, bác sĩ Lê Hành cho biết thêm.
Điều đáng lưu ý là, theo tìm hiểu của Phóng viên thì những năm qua, đã có trường hợp bác sĩ “dởm” Đinh Viết Hưng, phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, hút mỡ khiến 2 trường hợp tử vong qua mấy Hội đồng khoa học tại Sở Y tế vẫn đem ra xem xét chuyên môn nhưng không hề phát hiện ra bác sĩ "dởm". Phải mãi sau này nhờ sự tình cờ xác minh mà người ta mới phát hiện ông Hưng là bác sĩ "dởm".
Được biết, ngành y có "lời thề": "Không được làm gì ảnh hưởng, gây hại cho người bệnh" (Người bệnh còn không được, nói chi người lành). Vậy thử hỏi, Hội đồng khoa học có thật sự công tâm, khách quan, trách nhiệm và nghiêm túc chữa hay họ đang"ngồi xổm" trên chính lời thề của họ như vậy.
Theo dõi vụ việc này, tôi nhận thấy, vấn đề pháp lý đặt ra là: Trong thực tế, một vụ tai nạn giao thông hay một ca tử vong do chích vắc xin…. không rõ nguyên nhân thì trước khi thực "lo hậu sự" đều được giám định pháp y để tìm hiểu nguyên nhân. Vậy mà trường hợp tử vong này thì… không hiểu sao lại được “ngoại lệ”?. Bởi, tử vong do thẩm mỹ "hút mỡ bụng" là tử vong liên quan đến việc tác động không phải chữa bệnh lý cần thiết. Vì vậy, dù có “suy đoán vô tội” thì cũng không thể bỏ qua việc xem xét có hay không việc "vô ý chết người".
Bên cạnh đó, kết luận của Sở Y tế TP liên quan đến vụ việc này cho thấy, bệnh viện Gangwhoo ghi chép thông tin không đầy đủ... Vì vậy, với những khuất tất nêu trên, thì cơ quan điều tra nên xem xét khởi tố điều tra làm rõ.
Sở Y tế TP xem xét phạt hành chính?
Ngày 2/11/2021, Sở Y tế nhận được đơn của ông Bùi Ngọc Vĩnh phản ánh bác sĩ Phùng Mạnh Cường đã tắc trách trong hút mỡ bụng tại Bệnh viện Thẩm mỹ Gangwhoo dẫn tới việc vợ ông Vĩnh tử vong .
- Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Thúy, sinh năm 1971, phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng vào ngày 16/10/2021 tại Bệnh viện Thẩm mỹ Gangwhoo phải cấp cứu, chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 17/10/2021. Ngay sau đó, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Phòng Y tế quận Tân Bình tiến hành niêm phong hồ sơ bệnh án của người bệnh, niêm phong các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ phẫu thuật và thuốc tại Bệnh viện Thẩm mỹ Gangwhoo và yêu cầu Bệnh viện tạm ngưng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho đến khi có kết luận từ các cơ quan chức năng, đồng thời yêu cầu Bệnh viện họp Hội đồng chuyên môn để kết luận có hay không có sai sót chuyên môn theo quy định của Luật Khám bệnh chữa bệnh và báo cáo kết quả về Sở Y tế.
- Ngày 25/10/2021, Thanh tra Sở Y tế có Công văn số 1080/TTra chuyển toàn bộ hồ sơ của người bệnh đến Công an quận Tân Bình và Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03 ) – Công an TP.HCM để xem xét, điều tra (khi cần) theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo nhanh vụ việc cho Bộ Y tế.
- Ngày 8/11/2021, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế đã tổ chức họp và kết luận như sau: Người bệnh tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan diễn tiến tối cấp do viêm cân mạc hoại tử thành bụng sau phẫu thuật hút mỡ bụng, cơ địa béo phì, tăng huyết áp, không thể xác định chính xác nguyên nhân tử vong do thiếu kết quả giải phẫu tử thi. Tuy nhiên, bệnh viện Gangwhoo có thiếu sót trong ghi chép hồ sơ bệnh án về quá trình chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật hút mỡ bụng.
Kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ được giao cho Thanh tra Sở Y tế làm căn cứ để xử lý vi phạm hành chính đối với Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo theo đúng quy định. Ngày 12/11/2021, Sở Y tế đã có văn bản báo cáo toàn bộ vụ việc cho Bộ Y tế.
Bác sĩ Phùng Mạnh Cường có Chứng chỉ hành nghề khám bệnh do Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cấp và Quyết định số 738/QĐ-SYT ngày 3/6/2016 của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai về bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ.