Vụ tiếng Quốc ca trong trận Việt Nam - Lào bị tắt, BH Media chính thức lên tiếng
BH Media đã lên tiếng trước vụ việc âm thanh Quốc ca trong trận dấu giữa đội tuyển Việt Nam – Lào bị tắt vì nhiều cư dân mạng cho rằng, sự cố trên là do vụ "bản quyền bản ghi" của công ty này.
Dân tình xôn xao trước sự việc trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào tối 6/12, người theo dõi trên nền tảng YouTube đã không nghe được Quốc ca.
Theo đó, thông báo trên Youtube của Next Sports (Next Media) khi tường thuật trận đấu khi rõ, họ tắt tiếng phần lễ chào cờ vì lý do bản quyền âm nhạc.
Ngay sau đó, dân tình cho rằng đơn vị đứng sau sự việc này là BH Media - đơn vị quản lý bản quyền bản ghi "Tiến quân ca" của Hồ Gươm Media. Mới đây, VTV từng bị "đánh bản quyền" trên YouTube video vì để lọt tiếng bản thu này.
Trả lời trên tờ Thanh niên, BH Media khẳng định, công ty không liên quan đến việc tắt tiếng Quốc ca trên YouTube trong trận Việt Nam - Lào. Ngoài ra, BH Media cũng khẳng định,không nhận nắm bản quyền tác phẩm Quốc ca như dân mạng hiểu lầm.
Theo đó, đơn vị này cho rằng chỉ đang được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube. Theo đó, bất kỳ ai sử dụng bản ghi này của Hồ Gươm mà chưa xin phép, đều vi phạm bản quyền.
Về vụ việc tắt nhạc phần chào cờ trước trận đấu, BH Media cho biết, không hề liên quan:"Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media".
Cũng theo nguồn tin trên, BH Media khẳng định, trong trận đấu Việt Nam – Lào, không hề có bên nào đánh bản quyền bài hát "Tiến quân ca". Động thái này là do đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng Quốc ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu.
Vì không ai được biết bản thu âm Quốc ca nào được ca lên trong trận đấu, đã được xin phép đơn vị có bản quyền hay chưa, nên để an toàn, đơn vị tiếp sóng đã tắt tiếng luôn.
Cũng trên Báo Thanh Niên, BH Media chia sẻ thêm thông tin về việc bản quyền bản ghi Quốc ca. Trước đó, ngày 16/11, trong trận Việt Nam - Ả Rập Xê Út, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã mất doanh thu vì vi phạm bản quyền bản ghi "Tiến quân ca" do Hãng đĩa Marco Polo sản xuất.
Theo lý giải của bản quyền âm nhạc trên YouTube, các nhà sản xuất không có quyền sở hữu Quốc ca Việt Nam, nhưng họ có quyền sở hữu với bản ghi mà họ bỏ tiền ra sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube.
Chính vì ban tổ chức sân đã sử dụng bản ghi này mà không xin phép (hoặc trả tiền bản quyền) mới khiến các YouTube ở Việt Nam tiếp sóng có nguy cơ bị mất doanh thu. Do đó, họ đã tắt tiếng để tránh vi phạm bản quyền.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, trên mạng xã hội đã nổ ra những luồn tranh luận trái chiều về câu chuyện bản quyền. Một số ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét các vấn đề xoay quanh câu chuyện bản quyền của Quốc ca.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, các đơn vị không có bản quyền bài Quốc ca nhưng họ tự bỏ tiền ra thu âm, ghi lại bài nhạc thì việc họ nắm giữ bản quyền bản ghi đó là điều dễ hiểu.
Một số cư dân mạng khác cho rằng, các cơ quan văn hoá nên xem xét cho ra một bản ghi chỉnh chu, không có bản quyền để người dân được sử dụng rộng rãi Quốc ca trong nước.