Vụ giết hại nhà khoa học hàng đầu Iran: Là khó khăn cho ông Biden?
Một số nhà phân tích lại xem vụ việc có thể là đòn bẩy hữu ích cho chính quyền sắp tới của Mỹ trong các cuộc đàm phán nếu có với Tehran.
Lo ngại về chuỗi xung đột mới
Iran đã cáo buộc Israel là chủ mưu đứng sau vụ việc giết hại nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, 59 tuổi, tìm cách gieo rắc "hỗn loạn" và ám chỉ mạnh mẽ rằng nhà nước Do Thái đang hành động với sự ủng hộ của Washington.
Theo Bộ Quốc phòng Iran, các tay súng nhắm mục tiêu vào ô tô của ông Fakhrizadeh ở con đường tại thủ đô Tehran. Washington chưa có bình luận chính thức về vụ việc.
Nhưng Tổng thống Donald Trump đã tweet lại những bình luận của những người khác về vụ việc, trong đó có ít nhất một bình luận nói rằng nhà khoa học này đã bị cơ quan tình báo Israel "truy nã trong nhiều năm".
Năm 2018, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, thay vào đó khởi động chiến dịch "áp lực tối đa" mà Tổng thống Mỹ dường như sẽ tiếp tục theo đuổi cho đến khi rời nhiệm sở vào tháng Giêng năm sau.
Trong chuyến thăm gần đây đến Israel, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố các lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với một số công ty Trung Quốc và Nga bị cáo buộc đã hỗ trợ chương trình tên lửa của Iran.
Đối với một số nhà phân tích Mỹ, việc giết hại ông Fakhrizadeh là một hành động nguy hiểm làm suy yếu ý định mà ông Biden từng tuyên bố là đưa Iran quay lại con đường ngoại giao như một bước tiến hướng tới việc tái gia nhập hiệp định hạt nhân.
Cựu giám đốc CIA John Brennan đã tweet vào thứ Sáu rằng việc giết nhà khoa học Iran là một "hành vi tội phạm và rất liều lĩnh", có nguy cơ dẫn đến các cuộc trả đũa và một chuỗi xung đột mới.
Brennan, người lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ từ năm 2013-2017, khi ông Obama là tổng thống và Biden là phó tổng thống, đã khuyên Iran chờ đợi sự trở lại của vai trò lãnh đạo có trách nhiệm của Mỹ trên toàn cầu và kiềm chế phản ứng.
Khi Mỹ điều một nhóm tác chiến tàu sân bay do USS Nimitz dẫn đầu trở lại Vùng Vịnh nhưng khẳng định động thái này không liên quan đến vụ giết hại nhà khoa học, Đức đã cảnh báo về "sự leo thang" mới.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh thực hiện bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến tình hình leo thang mới", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói.
Làm hỏng ý định của ông Biden?
Việc nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran bị giết hại không chỉ khiến gia tăng căng thẳng trong khu vực mà còn làm kế hoạch nối lại đối thoại với Iran của ông Biden thêm khó khăn.
Ben Friedman, một chuyên gia quốc phòng tại Đại học George Washington, chia sẻ quan điểm đó. Ông cho rằng, vụ việc là hành động phá hoại chống lại các lợi ích và ngoại giao của Mỹ.
Ben Rhodes, cựu cố vấn của Barack Obama, cho rằng, hành động này nhằm phá hoại quan hệ ngoại giao giữa chính quyền sắp tới của Mỹ và Iran. "Đã đến lúc sự leo thang không ngừng này phải dừng lại", ông nói thêm.
Trong khi đó, Scott Ritter, cựu nhân viên tình báo của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ bình luận trên RT cho rằng, cái chết của ông không ảnh hưởng thực sự đến các hoạt động hạt nhân của Iran khi một thế hệ các nhà khoa học Iran mới từ lâu đã được giáo dục, đào tạo và làm việc trong một chương trình tiên tiến hơn nhiều so với chương trình mà Fakhrizadeh đã bắt đầu hơn 20 năm trước.
Tuy nhiên, về mặt tâm lý, vụ việc này - được thực hiện vào ban ngày ở trung tâm Iran - đã giáng một đòn tâm lý vào giới lãnh đạo của Tehran.
Nhưng tác động quan trọng nhất của nó là ảnh hưởng của nó đối với đội ngũ an ninh quốc gia của ông Biden.
Ông Biden và các cộng sự đã ủng hộ ý tưởng tái gia nhập JCPOA. Tuy nhiên, các điều kiện tiên quyết mà họ đã gắn cho một hành động như vậy - trước tiên Iran sẽ phải trở lại tuân thủ đầy đủ và cam kết thực hiện các cuộc đàm phán tiếp theo - sẽ hạn chế hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại xem vụ việc có thể là đòn bẩy hữu ích cho chính quyền sắp tới của Mỹ trong các cuộc đàm phán nếu có với Tehran.
Mark Dubowitz, giám đốc Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (FDD) lưu ý, vẫn còn gần hai tháng trước khi Tổng thống mới nhậm chức. Còn rất nhiều thời gian để Mỹ và Israel gây ra thiệt hại nặng nề cho chế độ ở Iran - và tạo đòn bẩy cho chính quyền mới.