Việt Nam ghi nhận người mắc bệnh cực hiếm, thế giới mới chỉ có một ca
Một người đàn ông được bệnh viện ở TPHCM phát hiện mắc căn bệnh cực hiếm gặp, y văn thế giới chỉ mới ghi nhận 1 ca.
Ngày 14/1, TS.BS Võ Hồng Minh Công, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TP.HCM, thông tin rằng bệnh viện vừa thực hiện thành công một ca siêu phẫu thuật đặc biệt, cứu sống bệnh nhân mắc căn bệnh cực hiếm mà toàn thế giới mới chỉ ghi nhận một trường hợp trước đó.
Anh Q.P.T. (38 tuổi, quê ở Cà Mau) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do mất máu cấp tính. Theo hồ sơ bệnh án, năm 2021, anh được chẩn đoán bị tắc tĩnh mạch cửa - hệ mạch máu quan trọng dẫn lưu máu từ ruột đến gan - do huyết khối, và đã điều trị bằng thuốc chống đông trong 6 tháng.
Vào cuối năm 2024, trong thời gian làm việc tại TPHCM, anh T. bất ngờ đau bụng dữ dội vùng quanh rốn, kèm theo hiện tượng đi ngoài ra máu đỏ với lượng lớn, khiến anh rơi vào tình trạng sốc mất máu cấp. Gia đình nhanh chóng đưa anh đến Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ lập tức tiến hành hồi sức chống sốc và sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để tìm nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa.
Kết quả CT-scan bụng cho thấy bệnh nhân bị tắc mạn tính tĩnh mạch cửa, kèm theo chuyển dạng xoang hang - hiện tượng tái cấu trúc giãn lớn hệ thống mạch máu tại vùng rốn gan. Nguyên nhân chính gây chảy máu là do dị dạng mạch máu và thông nối động - tĩnh mạch ruột lan tỏa, dẫn đến giãn nở các nhánh tĩnh mạch mạc treo ruột. Đồng thời, bệnh nhân cũng được xác định có huyết khối tĩnh mạch cửa mãn tính.
Dù đã áp dụng điều trị nội khoa kết hợp nội soi tiêu hóa để cầm máu, tình trạng xuất huyết tiêu hóa của bệnh nhân liên tục tái phát, khiến anh rơi vào tình trạng nguy kịch. Trước tình hình đó, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa nhằm tìm ra nguyên nhân cụ thể và đưa ra giải pháp điều trị hiệu quả nhất.
Việc xác định chẩn đoán và tìm hướng điều trị cho ca bệnh này gặp nhiều thách thức do tình trạng quá hiếm gặp. Qua nghiên cứu tài liệu y khoa, các bác sĩ phát hiện chỉ có một trường hợp tương tự từng được báo cáo tại Mỹ. Trước nhận định đây là một ca bệnh đặc biệt hiếm, ban giám đốc Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã triệu tập hội đồng chuyên môn để đưa ra kế hoạch điều trị. Họ quyết định tiến hành một ca phẫu thuật phức hợp, yêu cầu sự phối hợp giữa phẫu thuật mở bụng và can thiệp nội mạch trong quá trình mổ.
Cuộc phẫu thuật được thực hiện bởi 4 đội ngũ chuyên môn, kéo dài từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Theo BS-CK2 Vũ Ngọc Sơn, Phó khoa Ngoại Tiêu hóa của bệnh viện, bệnh nhân đã mất máu nghiêm trọng và phải truyền lượng máu lớn hơn tổng lượng máu trong cơ thể, gây ra rối loạn đông máu, làm tăng thêm độ phức tạp cho quá trình mổ.
“Hơn 30 năm làm nghề, đây là một trong những ca bệnh khó nhất tôi từng gặp. Ca mổ kéo dài hơn 12 giờ. Chúng tôi đã xác định và tiếp cận vị trí dị dạng mạch máu, giải phóng đoạn tĩnh mạch bị tắc, sau đó tạo cầu nối từ hệ tĩnh mạch cửa sang hệ tĩnh mạch chủ để giảm áp lực. Khoảng 3 mét ruột non chứa dị dạng mạch máu đã buộc phải cắt bỏ nhằm kiểm soát tình trạng chảy máu tái phát. Phần ruột còn lại được nối lại để khôi phục lưu thông tiêu hóa”, BS Ngọc Sơn chia sẻ trên báo Tiền Phong.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ. Sức khỏe hồi phục nhanh chóng, chức năng tiêu hóa trở lại bình thường và không còn tình trạng chảy máu tiêu hóa. Bệnh nhân hiện đang được điều trị ổn định với thuốc chống đông máu. Đây là một ca bệnh cực kỳ hiếm với mức độ phức tạp cao, nhưng nhờ sự tận tâm và chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân đã được cứu sống thành công.