Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 29/07/2021 14:10 (GMT+7)

Việt Á Bank: Cổ phiếu giá rẻ, nợ xấu tăng mạnh

Theo dõi GĐ&PL trên

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VAB có giá tham chiếu rất “khiêm tốn” chỉ 13.500 đồng/cổ phiếu.

Từ ngày 20/7/2021, gần 445 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mã VAB, trở thành cổ phiếu ngân hàng thứ 27 giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Được biết, trong thời gian qua, khi chỉ số VN-Index tăng mạnh và liên tục lập các kỷ lục mới, cổ phiếu của các ngân hàng nổi lên với vai trò dẫn dắt thị trường. Điển hình là cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt thị giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu để trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất. Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/7, SGB - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) là cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất trên sàn chứng khoán.

Với giá tham chiếu rất “khiêm tốn” trong ngày giao dịch đầu tiên, theo nhận định của giới đầu tư, cổ phiếu VAB của VietABank hoàn toàn sẽ có cơ hội “soán ngôi” cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất trên sàn chứng khoán của SGB trước đó.

Dù chào sàn với mức giá thấp nhất sàn chứng khoán như vậy nhưng VAB vẫn được đánh giá khá cao so với thực tế; vì trước đó, trên thị trường OTC, VAB đã có chuỗi ngày dài chìm sâu dưới mệnh giá.

Phải tới cuối tháng 4/2021, cổ phiếu VAB mới lần đầu tiên “lên mặt đất” khi xuất hiện giá chào mua 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong những ngày gần đây, VAB được đẩy lên cao hơn với mức phổ biến là 11.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí một vài lệnh mua bán với giá 13.000 đồng/cổ phiếu, gần cao bằng giá chào sàn 13.500 đồng/cổ phiếu.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa có ý kiến phản hồi việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, mã chứng khoán: VAB). Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đề nghị của VietABank về việc chuyển nhượng gần 32,7 triệu cổ phiếu VAB, tương đương 7,35% vốn tại ngân hàng này do Công ty Cổ phần Rạng Đông sở hữu.

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, VietABank phải tuân thủ pháp luật và điều lệ về sở hữu và chuyển nhượng cổ phần, có trách nhiệm pháp lý với các phát sinh liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần Rạng Đông. Trường hợp phát sinh bên nhận chuyển nhượng trở thành cổ đông lớn của VietABank hoặc bên nhận chuyển nhượng là cổ đông lớn của ngân hàng hoặc nhà đầu tư nước ngoài, nhà băng phải thực hiện đúng các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu VietABank phải phối hợp với Công ty Cổ phần Rạng Đông thông tin đầy đủ tới các nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần, cổ đông phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn nhận chuyển nhượng cổ phần tại VietABank.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để nhận chuyển nhượng cổ phần của VietABank; không được góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng dưới tên cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, động thái rút hết vốn tại VietABank của Công ty Cổ phần Rạng Đông diễn ra ngay sau khi cổ phiếu VAB chỉ vừa “chân ướt chân ráo” lên sàn UPCoM. Điều này khiến giới đầu tư tỏ ra nghi ngại, dù trên thị trường chứng khoán, sau ba phiên tăng mạnh thì đến phiên thứ tư, cổ phiếu VAB đã nằm sàn với giá 20.100 đồng/cổ phiếu.

Quá trình tìm hiểu cho thấy, trước khi được niêm yết trên sàn chứng khoán, tình hình tài chính của VietABank có một số biến động. Cụ thể, ngân hàng này bất ngờ ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng đột biến. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 1/2021 của VietABank 125 tỷ đồng, tăng 44 tỷ đồng, tương đương 54,3% so với quý 1/2020. Cũng trong quý 1/2021, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tại VietABank là 0 đồng. Cùng kỳ năm ngoái, chỉ tiêu này cũng là 0 đồng.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là 3,8 tỷ đồng trong khi cùng quý 1/2020 ngân hàng lỗ 6,3 tỷ đồng. Chứng khoán kinh doanh giúp VietABank lãi 9 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 8,2 triệu đồng). Thu nhập lãi thuần đạt 243 tỷ đồng, tăng 33 tỷ đồng, tương đương 15,7%. Trong khi đó, hoạt động chứng khoán đầu tư lại khiến VietABank lỗ 30 triệu đồng. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm sâu từ 15,6 tỷ đồng xuống 3,4 tỷ đồng.

Theo nhận định của giới chuyên gia, các chỉ tiêu này khá yếu, chưa đủ sức giúp lợi nhuận sau thuế của VietABank tăng trưởng mạnh như vậy. Thêm vào đó, ngân hàng này cũng chưa trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khi trong quý 1/2021, chỉ tiêu này được xác định là 0 đồng (cùng kỳ năm ngoái, con số này là 4 tỷ đồng). Thậm chí VietABank cũng chưa nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (trong quý 1/2021, chỉ tiêu này là 0 đồng bằng với cùng kỳ năm ngoái); và không cung cấp báo cáo tài chính đầy đủ (bao gồm cả thuyết minh báo cáo tài chính). Điều này dẫn đến việc tình hình nợ xấu tại ngân hàng này không được rõ ràng.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, toàn cảnh bức tranh nợ xấu tại VietABank đã được tiết lộ một cách đầy đủ. Cụ thể tại thời điểm 31/12/2020, dư nợ cho vay khách hàng của VietABank đạt 47,8 nghìn tỷ đồng; số dư tiền gửi của khách hàng đạt 59,3 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản của VietABank đạt 86,5 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổng nợ xấu của VietABank ở mức 1.112 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm 2020, chiếm 2,3% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng hơn 10 lần từ mức 46,6 tỷ đồng lên 507,1 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 71,6%, từ mức 86,5 tỷ đồng lên 148,5 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 22,7% lên 456,1 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,18% lên 2,29%. Dù tỷ lệ nợ xấu của VietABank năm 2020 vẫn thấp hơn mức “trần” 3% do Ngân hàng Nhà nước quy định, nhưng lại cao hơn so với mặt bằng chung của ngành ngân hang vào thời điểm này.

Cùng chuyên mục

Kết luận thanh tra tại BIDV Sóc Trăng bị tẩy xoá nhiều nội dung
Cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng phát hiện hàng loạt vi phạm trong quá trình hoạt động tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Sóc Trăng. Tuy nhiên, Kết luận thanh tra khi được công khai đã bị tẩy xoá ở nhiều trang quan trọng.
SeABank lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu
Ngày 08/08/2024, tại Lễ công bố và vinh danh giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2024 (VOBA), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) tự hào được vinh danh ở hạng mục Ngân hàng có Sản phẩm Dịch vụ Sáng tạo Tiêu biểu dành cho ứng dụng Ngân hàng điện tử cho khách hàng doanh nghiệp - SeAMobile Biz. Đây là lần thứ 4 liên tiếp SeABank được vinh danh trong hệ thống giải thưởng này.
Đề xuất ứng dụng Mobile Banking phải xác thực sinh trắc học
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng. Trong đó, có đề xuất quy định ứng dụng Mobile Banking phải xác thực sinh trắc học khớp với dữ liệu của căn cước.

Tin mới

Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Số ca mắc sởi tăng cao, bệnh viện quá tải
Khoảng 1 tuần qua, số bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận gần 70 ca mắc mới, dẫn đến quá tải tại các khoa điều trị về hô hấp. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo khuyến cáo.