Việc học không chỉ có Toán, Văn, Ngoại ngữ...
Chưa kịp chấm dứt mùa hè, nhiều trẻ em thành phố đã lập tức bị cha mẹ cho vào guồng với lịch học thêm dày đặc. Lịch học xoay quanh những môn học chính luôn được ưu tiên hàng đầu: Toán, Văn, Ngoại ngữ.
“Tăng tốc” trước ngày khai giảng
Không rõ từ bao giờ, những lớp học trước khi trống trường khai giảng vang lên dường như đã thành “chuyện thường ngày ở thành phố”.
Ngay từ khi bắt đầu kỳ nghỉ hè đến nay, cậu bé Xuân Lâm (học sinh lớp 9, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải trải qua lịch học dày đặc. Thời khóa biểu mùa hè của cậu bé 15 tuổi này chỉ khác biệt một chút so với trong năm học, đó là thay vì phải dậy sớm từ 6h để kịp đến trường thì mùa hè, Lâm được thức dậy muộn hơn vào lúc 7- 8 giờ. Thời gian còn lại trong ngày, Lâm “chạy xô” kín lịch với các lớp học thêm Văn, Toán, tiếng Anh theo sự sắp xếp của bố mẹ.
Anh Xuân Cường, bố Xuân Lâm cho biết, tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội ngày càng khắc nghiệt, “thằng bé chỉ còn một năm để bước vào kỳ thi khốc liệt vào lớp 10, đợi vào năm học mới luyện bài vở thì hơi... muộn. Mùa hè năm nay vợ chồng tôi xác định là thời điểm để con “tăng tốc”, trang bị thêm kiến thức cho năm học cuối cấp sắp tới”, anh Cường chia sẻ.
“Thấy lịch học dày, thằng bé cũng tỏ vẻ khó chịu. Nhưng tôi động viên con là cố gắng hết năm nay, sang năm đỗ vào lớp 10 rồi thì sau đó con muốn nghỉ hè thế nào cũng được”, anh Cường nói thêm.
Tương tự, chị Hồng Luyến (Đội Cấn, Hà Nội) có con năm nay lên lớp 5 trường tiểu học Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho con học thêm các môn văn hoá từ cuối tháng Sáu và đầu tháng Bảy. Chị bày tỏ: Cả nhà lúc nào cũng khuyến khích con học thật tốt, càng vào hè càng có nhiều thời gian ôn luyện để có thể thi vào lớp 6 đầu cấp sang năm. “Một số trường điểm có thi một số môn đầu vào nên để con học trường tốt, chúng tôi không còn cách nào khác phải cho đi học thêm. Nhất là môn ngoại ngữ. Đây cũng là bước tạo đà để thi THPT vì thông tin gần đây thi vào đầu cấp lớp 10 quá căng thẳng”, chị Luyến nói.
Mùa hè đúng nghĩa là mùa trải nghiệm
Theo Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), suốt 9 tháng học tập ở trường trẻ đã phải đối diện nhiều áp lực, nếu mùa hè cũng không được vui chơi, giải trí, lại phải liên tục đi học thêm, trẻ sẽ cảm thấy chán nản, mất động lực học tập. Tuy nhiên, để trẻ quá tự do trong mùa hè, bỏ bê hẳn việc học thì cũng không tốt, trẻ khó bắt nhịp lại khi năm học mới bắt đầu. Do đó, cha mẹ cần thảo luận với trẻ để “thiết kế” một mùa hè bổ ích, lý thú, hài hòa giữa việc học tập và vui chơi.
Cha mẹ không nên sắp xếp thời khóa biểu mùa hè của con theo ý mình, vì sẽ khiến con cảm thấy bị áp đặt. Hãy hỏi xem con mong muốn gì trong mùa hè, mục tiêu của con vào mùa hè này là như thế nào. Điều này giúp con cảm thấy được tôn trọng, được quyền đưa ý kiến và lựa chọn. Sau đó, cha mẹ tư vấn, giúp con lập “kế hoạch mùa hè” với một lịch trình hợp lý nhất, đảm bảo con vẫn có thời gian nghỉ ngơi, trải nghiệm các hoạt động vui chơi, vẫn có thời gian học nhẹ nhàng không áp lực để duy trì thói quen học tập.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh nhấn mạnh, việc học không nên chỉ là học các môn như Văn, Toán, Ngoại ngữ mà có thể là học vẽ, múa, nhảy, đàn, hát... Mỗi đứa trẻ đều có rất nhiều tài năng ẩn chứa bên trong. Nếu cha mẹ chỉ hỏi là con có đam mê gì không thì có thể con chưa định hình được hoặc định hình chưa đúng lắm. Mùa hè là thời điểm thích hợp để cha mẹ cho con trực tiếp trải nghiệm những điều đó, giúp con học thêm những kỹ năng mới, gia tăng sự tự tin và kích hoạt tài năng bên trong con. Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích con chơi các môn thể thao.
Dịp nghỉ hè, cha mẹ cũng nên dành thời gian để kết nối, thấu hiểu con hơn. Cả gia đình có thể cùng nhau đi bộ, du lịch, cắm trại... vừa là cơ hội để con trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh, vừa gắn kết tình cảm gia đình giữa cha mẹ và con cái.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) khẳng định: Dịp hè, phụ huynh nên tổ chức cho trẻ em tham gia các lớp học kỹ năng, chẳng hạn như các lớp bơi, phòng chống đuối nước. Mùa hè là mùa để các con được trải nghiệm, được thỏa thích tham gia các hoạt động kỹ năng, nhất là kỹ năng phòng chống đuối nước.
Như nhiều chuyên gia khác, bà Vũ Thị Kim Hoa khuyến khích các bậc phụ huynh trang bị các kỹ năng sống cho trẻ, không nên bao bọc con quá mức khiến trẻ mất dần kỹ năng sống. Rất nhiều kỹ năng cần được “tăng tốc”, trau dồi ngoài các môn học chính trên lớp, có thể ví dụ như nấu ăn, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, tưới cây xanh... hay trẻ lớn hơn một chút sẽ tập kỹ năng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố, giao tiếp với người lạ, lập kế hoạch cho một chuyến đi chơi xa nhà...