Vì sao ông Nguyễn Đức Chung bị truy tố tội 'Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước'?
Trong vụ án này thì cơ quan điều tra chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Với hành vi này thì ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Tại sao ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố về tội ‘Chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước’ mà không phải tội ‘Trộm cắp tài sản’?
Ngày 28/8/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam (04 tháng), lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” là một tội ghép trong số nhiều hành vi như: cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước.
Theo quy định của khoản 1, Điều 2, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 thì: “Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác”.
Bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 03 độ mật, bao gồm:
– Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
– Bí mật nhà nước độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
– Bí mật nhà nước độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước thì tùy vào từng hành vi cụ thể, tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm và tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, vô ý làm lộ bí mật nhà nước, hành vi mua bán, chiếm đoạt, tiêu hủy bí mật nhà nước là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu thụ hủy tài liệu bí mật nhà nước sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước 1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Về khách thể, tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính, bí mật nhà nước trong các lĩnh vực. |
Chủ thể của tội danh này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định.
Về mặt khách quan, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thể hiện thông qua việc sử dụng thủ đoạn để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, dùng vũ lực hoặc đe dọa người có thẩm quyền hoặc các thủ đoạn gian dối khác để có được tài liệu bí mật đó.
Tội phạm hoàn thành khi tài liệu bí mật nhà nước thoát khỏi sự quản lý của người có trách nhiệm giữ, quản lý nó.
Mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.
Đối với tội “Trộm cắp tài sản” được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội lén lút (bí mật) lấy tài sản mà chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết mình bị mất tài sản, chỉ sau khi mất tài sản họ mới biêt bị mất tài sản.
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật. … |
Chủ thể của tội danh này cũng là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định.
Khách thể của tội trộm cắp tài sản: Tội trộm cắp tài sản chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, mà không xâm phạm đến quan hệ về nhân thân. Đây là điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, bởi trong cấu thành tội trộm cắp tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt.
Mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.
Mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản: Hành vi khách quan là hành vi “chiếm đoạt” tài sản, nhưng hành vi chiếm đoạt ở đây là chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết.
Hậu quả của tội trộm cắp tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản là đối tượng của hành vi trộm cắp là: tiền các loại, hàng hoá và các giấy tờ có giá trị thanh toán như phiếu công trái, ngân phiếu….
Tài liệu bí mật nhà nước không được coi là tài sản và hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước là một trong những yếu tố cấu thành tội được quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vì vậy, trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung không thể bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” với hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, để kết tội ông Chung và các bị can về hành vi này thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ bí mật nhà nước ở đây là gì, các tài liệu, đồ vật nào được xác định là bí mật nhà nước? Theo quy định của pháp luật thì các tài liệu trong hồ sơ điều tra của cơ quan điều tra là tài liệu mật. Bất cứ ai cố ý làm lộ, mua bán, chiếm đoạt, tiêu hủy những tài liệu này thì đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, là hành vi phạm tội và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt từ 2 đến 15 năm tù.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ động cơ mục đích của hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước này. Nếu có căn cứ cho thấy những tài liệu bí mật đó có liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung về những hành vi sai phạm của công ty Nhật Cường Mobile hoặc sai phạm khác thì ông này có thể sẽ bị khởi tố thêm các tội danh liên quan đến vụ án này.
Trong trường hợp bị xử lý về nhiều tội mà tòa án có bản án kết tội thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất trong các tội danh là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình. Trong trường hợp các tội danh hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Trong trường hợp các tội danh đều là phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt tù cao nhất là tổng hợp của các hình phạt tù nhưng không quá 30 năm.
Có thể nói rằng, so với các bị bị can bị khởi tố trong các vụ án này thì ông Nguyễn Đức Chung là người cán bộ lãnh đạo có nhiều công sức trong ngành công an trước đây cũng như trong quá trình công tác tại ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Bởi vậy, khi xem xét đến trách nhiệm pháp lý, xem xét đến hình phạt thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã sẽ cân nhắc đến “công và tội”, sẽ xem xét đến tính chất mức độ của hành vi phạm tội nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có mức hình phạt phù hợp trong trường hợp ông này bị kết tội. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ hành vi, làm rõ những sai phạm và có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Luật sư Cường chia sẻ, mặc cho dù vụ việc diễn biến theo chiều hướng nào, trách nhiệm pháp lý của ông Chung có đến đâu thì trong lòng người dân Hà Nội cũng sẽ có những cảm xúc vui, buồn, lẫn lộn. Có những người sẽ buồn cho ông ấy, có những người sẽ cảm thấy tiếc nuối vì mất đi một người lãnh đạo cương trực, người có nhiều thành tích trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm. Có những người có thể sẽ hài lòng về kết quả của các công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đấu tranh chống tham nhũng, chứng tỏ quá trình đấu tranh với tội phạm về tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể những hành vi sai phạm dù là ai thì cũng bẻ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Thanh Thanh