Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 08/03/2022 20:00 (GMT+7)

Vì sao khi là F0 thì "khoẻ re" mà âm tính lại bị di chứng hậu Covid

Theo dõi GĐ&PL trên

Nhiều người gặp tình trạng khi đang dương tính thì "khoẻ như vâm" nhưng 1 tháng sau khỏi bệnh thì sức khỏe giảm sút, đi lại mệt mỏi, nói vài câu thì hụt hơi...

Mất ngủ triền miên, lo lắng và bồn chồn hậu Covid-19

Anh Mạnh Tú, 27 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội chưa thể bắt nhịp công việc sau khỏi Covid-19. Anh thường xuyên mất ngủ, lo âu và mệt mỏi do di chứng Covid-19 kéo dài.

Anh Tú mắc Covid-19 từ ngày 18/2, triệu chứng bệnh nhẹ, chỉ bị sốt hai hôm đầu và ho. Ngày thứ 8 của bệnh, anh xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, vạch T mờ dần. Thời điểm này, anh bắt đầu rơi vào trạng thái khó ngủ, hay mơ lung tung.

Tình trạng này càng trở nên trầm trọng vào ngày 28/2, khi anh test nhanh âm tính, đủ 10 ngày tự cách ly và điều trị tại nhà. Giấc ngủ là một điều "xa xỉ" với anh, mỗi ngày anh chỉ ngủ được 1-2 tiếng, nhiều đêm thức trắng, không thể chợp mắt.

"Sau khi thăm khám, anh được bác sĩ kê đơn, kết hợp tập thể dục, chế độ sinh hoạt hợp lý, nhưng giấc ngủ cũng không thể cải thiện", anh Tú buồn rầu nói.

Uống thuốc điều trị mất ngủ ít tác dụng phụ, nguồn gốc từ thảo dược, giúp nam thanh niên có thể ngủ từ 10-11h đêm, nhưng thức dậy vào 3-4h sáng hôm sau và không thể ngủ lại. "Người ta nói ăn được ngủ được là tiên, còn tôi gần như phát điên vì mất ngủ", anh Tú rơi vào bế tắc khi 10 ngày liên tiếp không thể ngủ ngon.

Rối loạn giấc ngủ khiến cơ thể và tinh thần anh Tú mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và công việc. Mỗi lần ra đường, đầu óc anh lại choáng váng và không thể tập trung điều khiển xe máy.

F0 khỏe như vâm nhưng sau lo lắng, mất ngủ triền miên, bác sĩ cảnh báo chứng sương mù não, rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19 - Ảnh 1.
Anh Tú sử dụng thuốc điều trị mất ngủ, nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau một đêm ho liên tục, anh đến bệnh viện khám hậu Covid-19. May mắn kết quả chụp X-Quang phổi không sao, nhưng giấc ngủ vẫn là "bài toán khó".

"Xung quanh tôi, những người bạn khỏi Covid-19 cũng rơi vào tình trạng mất ngủ. Tôi thấy mọi người hay nói 'Covid-19 không đáng sợ, hậu Covid-19 mới đáng sợ', bây giờ ngẫm lại mới thấy đúng với bản thân khi căn bệnh vẫn len lỏi tàn phá cơ thể mình" anh nói.

Nam thanh niên khuyến cáo mọi người không chủ quan với Covid-19. Kể cả những người trước đây rất khỏe mạnh, nhưng vẫn phải đối diện với di chứng Covid-19 kéo dài.

Ngọc Mai, 26 tuổi, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội dương tính với SARS-CoV-2 ngày 23/2. Sau 10 ngày tự cách ly và điều trị tại nhà, cô khỏi bệnh, nhưng nói "sức khỏe không được như trước đây".

Hậu Covid-19, tinh thần cô luôn rơi vào tình trạng uể oải, cơ thể mệt mỏi và "không còn sức sống". Tâm lý cũng thay đổi nhiều, đặc biệt hay xuất hiện lo âu và suy nghĩ viển vông.

"Nhiều sáng thức dậy, tôi không muốn làm bất cứ việc gì, tinh thần sa sút, không có năng lượng. Thậm chí, khi di chuyển, đầu óc thường xuyên choáng váng. Mỗi khi đeo khẩu trang, tôi khó thở như bị ai đó bóp nghẹt cổ họng", Mai kể.

Nhiều đêm, cô trằn trọc không thể ngủ, mơ lung tung và thậm chí suy nghĩ rất nhiều. Cô gái trẻ còn muốn xin nghỉ việc vì không thể tập trung, lo ảnh hưởng chất lượng công việc chung.

F0 khỏe như vâm nhưng sau lo lắng, mất ngủ triền miên, bác sĩ cảnh báo chứng sương mù não, rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19 - Ảnh 2.
Nhiều người mắc Covid-19 "khỏe như vâm" nhưng hậu Covid-19 đối diện nhiều vấn đề nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Chị Hải (ở Hà Nội) mới khỏi COVID-19 được hơn 1 tháng. Khi mới mắc, chị tự tin điều trị ở nhà vì chỉ sốt 38,5 độ C trong hai ngày, đau người, mất khứu giác khoảng 5-6 ngày là âm tính trở lại, nhẹ nhàng, khoẻ khoắn. Nghỉ ngơi thêm một dạo, chị quay lại làm việc nhưng người phụ nữ 30 tuổi không ngờ lại bị "hậu covid" hành.

"Công việc của tôi chủ yếu phải nói. Trước khi mắc COVID-19, lắm lúc ngủ dậy tôi bị ngứa họng, muốn ho hắng nhưng chỉ một buổi sáng livestream bán hàng là lại "ngọt giọng" ngay. Sau khi "thoát kiếp F0", tôi chỉ nói vài câu là mệt, phải dừng lại lấy hơi, sức khoẻ giảm tới 30%" - chị Hải kể.

"Ai bảo mắc COVID-19 cũng xoàng thôi thì nên xem lại. Đừng vì thấy đa số bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng mà chủ quan vì di chứng hậu COVID cũng rất nặng nề" - chị Hải chia sẻ.

Chị Hải cũng cho biết, bạn chị còn bị rụng tóc, mất ngủ, mùa đông nằm ngủ nhưng mồ hôi vã như tắm dù chân tay lạnh.

Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, nhiều người sau khi khỏi COVID-19 phàn nàn chuyện khi đang dương tính thì "khỏe như vâm" nhưng 1 tháng sau khỏi bệnh thì sức khỏe giảm sút, đi lại leo một đoạn cầu thang liền mệt mỏi, nói vài câu đã hụt hơi.

Qua thực tế tư vấn, điều trị, BS Hoàng cho biết F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng sau khi khỏi bệnh có thể gặp một số biểu hiện như bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động và khó ngủ. Nhiều người gặp các triệu chứng do thiếu máu lên não như nặng đầu, váng đầu, đi lại "như trên mây". Có nhóm người lại bị kém tập trung, nhớ nhớ quên quên điều vừa diễn ra, trong khi một số trường hợp bị hồi hộp từng cơn, đánh trống ngực, kèm theo đó là tình trạng nghẹn, khó thở, trào ngược dạ dày.

"Những người này SpO2 không tụt, huyết áp bình thường... nhưng vẫn có cảm giác hụt hơi, mệt mỏi không lý giải được" - BS Hoàng nói.

Nguyên nhân do đâu?

BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho rằng chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề hậu COVID-19, tuy nhiên có giả thiết cho rằng, với F0 thể nhẹ sau khi khỏi bệnh, cơ thể sinh ra các kháng thể tự miễn, tấn công và chống lại cơ thể mình, gọi là phản ứng tự miễn gây ra tình trạng viêm. Còn với bệnh nhân tương đối nặng, có tình trạng đông máu, tắc mạch sau đó cục máu đông trôi đi, gây tình trạng tắc các vi mạch ở nơi khác.

Đồng quan điểm này, BS Hoàng - người hàng ngày trực tiếp tư vấn cho hơn 100 F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà - nhận định nguyên nhân của biểu hiện này có thể là tình trạng hậu quả viêm toàn thân do COVID-19 "phát tác" sau khi bệnh nhân âm tính, kết hợp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID-19. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng.

Theo BS Hoàng, tình trạng viêm toàn thân lan toả này khiến khả năng trao đổi chất của cơ thể suy giảm. Ngoài ra, tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân vẫn còn. Trên các mạch máu lớn, tình trạng tăng đông có thể gây ra những nguy cơ như đột quỵ, thuyên tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi... còn trên các mạch máu nhỏ, tình trạng tăng đông khiến việc cung cấp máu, oxy cho các cơ quan, tổ chức giảm đi.

Hai vấn đề này (viêm toàn thân và rối loạn đông máu) ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, gây ra tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu não. Lúc này khả năng điều chỉnh đường máu, điện giải (như natri, kali, clo, canxi...) khiến khả năng co bóp của cơ, khả năng dẫn truyền thần kinh suy giảm, nên bệnh nhân cảm thấy tay chân yếu, sức lực giảm, không còn sung sức trước...

Vì sao khi đang dương tính bệnh nhân thấy bình thường nhưng khỏi rồi lại rất mệt mỏi, chân tay yếu...? "Đó là do lúc đầu, tình trạng viêm chưa lan toả toàn thân mà còn khư trú ở một số cơ quan trên cơ thể. Sau đó, tình trạng viêm dù nhẹ nhưng lan toả toàn thân, kết hợp với tình trạng rối loạn đông máu ở các mạch máu nhỏ khiến cơ thể có những triệu chứng trên đây, dù người bệnh đã âm tính cả tháng trời" - BS Hoàng lý giải.

Điều này có nghĩa là, tình trạng viêm có thể đã diễn ra từ khi bệnh nhân dương tính nhưng không biểu hiện rầm rộ mà khi âm tính rồi mới "phát tác". Ngoài ra, trong giai đoạn cấp khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch phải "gồng lên để chiến đấu" với virus, huy động toàn bộ cơ thể "xung trận", nhưng sau đó hậu quả là, cơ thể bị kiệt quệ năng lượng.

Một số triệu chứng biểu hiện đồng thời, một số biểu hiện ở nhiều giai đoạn, hoặc tái phát, gây khó khăn cho định nghĩa và chẩn đoán.

Một số triệu chứng bao gồm:

Thứ nhất: Cảm giác bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động và khó ngủ thường thấy ở các bệnh nhân mắc Covid-19. Sau khi âm tính, việc dễ xúc động ngay cả trong những trường hợp không quá đặc biệt cũng xảy ra.

Thứ hai: Nặng đầu, váng đầu, đi lại bồng bềnh, không tự tin và đặc biệt là giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém.

Thứ ba: Dễ mệt mỏi, mất sức, chân tay yếu khi làm việc, vận động. Thậm chí nhiều trường hợp có cảm giác run tay, bủn rủn chân tay và hết sau một thời gian ngắn.

Thứ tư: Chân, tay lạnh nhưng đổ mồ hôi trộm. Nhiều trường hợp đêm ngủ ướt hết phần lưng. Một số bệnh nhân nữ thậm chí ướt toàn bộ phần ngực.

Thứ năm: Một số người có triệu chứng hồi hộp từng cơn, đánh trống ngực, thổn thức, thi thoảng nhói ở tim, nuốt nghẹn, khó thở. Các vấn đề này đều liên quan tình trạng rối loạn co bóp của cơ tim và co thắt phế quản.

Thứ sáu: Trào ngược dạ dày thực quản hay rối loạn co thắt đại tràng. Tình trạng này thường trở nên rõ ràng hơn với những người đã gặp từ trước.

Cuối cùng: Nhiều phụ nữ sau khi khỏi Covid-19 gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da xấu đi do thiếu hoặc rối loạn hormone. Việc rối loạn kinh nguyệt có thể khiến chu kỳ kéo dài, ngắn hơn hoặc thậm chí mất kinh trong vài tháng.

Xử trí ra sao?

Hiện mỗi ngày BS Nguyễn Huy Hoàng và cộng sự thường xuyên tư vấn online cho khoảng hơn 60-70 F0 mới và hơn 30 F0 cũ mỗi ngày. Ông thường khuyên những người xuất hiện triệu chứng hậu COVID-19 điều chỉnh chế độ ăn uống, cố gắng vận động nhẹ nhàng, kiên trì và quan trọng là phù hợp sức khoẻ.

Các trường hợp này cũng được khuyến cáo dùng những loại thuốc hỗ trợ như vitamin, khoáng chất, các sản phẩm giúp giảm căng thẳng như các loại thực phẩm chức năng tác dụng an thần, tăng cường tuần hoàn não... có nguồn gốc thảo dược. Ngoài ra, các biện pháp tâm lý cũng rất quan trọng.

"Nếu được điều trị tốt, các triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh thực vật sẽ ổn định sau khoảng 3-4 tuần" - BS Hoàng nói.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, nếu sau khi khỏi COVID-19, người không có triệu chứng hoặc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường thì không phải đi khám. Bởi sau một trận ốm lớn, dài ngày, hoặc hậu sinh đẻ thì xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài, ho, sốt, đau nhức người, rụng tóc... rất thường gặp, không nghiêm trọng. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh và phục hồi về mức bình thường.

Những người hậu COVID-19 khi khó thở cần bình tĩnh và kiên trì tập thở, chủ động tăng cường dinh dưỡng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

Trường hợp bị mất mùi nên tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, vỏ chanh có mùi hương.

Người bị rụng tóc cần bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, nhất là kẽm, B Complex.

Mệt mỏi thì nên cố gắng ngủ đủ giấc, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý...

Người bị ho cần kiểm tra những tác động từ thời tiết, bệnh lý hen suyễn, cảm cúm để loại trừ nguyên nhân do hậu COVID-19.

Người có biểu hiện đau nhức xương khớp, cơ thể nên sử dụng thuốc xoa bóp, uống giảm đau, tăng cường tập luyện vận động, làm việc nhà nhẹ nhàng.

Chỉ nên đi khám hậu COVID-19 khi đã tăng cường nhiều giải pháp nhưng biểu hiện bệnh vẫn kéo dài.

Cùng chuyên mục

Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh dại
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Tin mới

Bộ Y tế thông tin về nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc triển khai thi hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ để hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan xác định đối tượng, tổ chức thực hiện để bảo đảm quyền lợi cho người dân được hưởng chính sách bảo hiểm y tế (BHYT).