Uống rượu pha cồn rửa tay, 5 thanh niên nhập viện khẩn
Bệnh nhân 18 tuổi nhập viện với chẩn đoán theo dõi ngộ độc rượu ngày 2. 4 người uống rượu cùng cũng lần lượt được đưa đến bệnh viện sau đó.
Theo Báo Thanh Niên, trên địa bàn TP.HCM vừa xảy ra thêm một vụ ngộ độc cồn methanol (cồn công nghiệp) sau khi uống rượu pha với cồn rửa tay.
Cụ thể, vào 23h ngày 6/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận bệnh nhân T.C.T (18 tuổi, ngụ Hậu Giang) vào viện với tình trạng mệt. Người bệnh tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng, nôn ói nhiều, chẩn đoán nhập viện là theo dõi ngộ độc rượu.
Bệnh nhân cho biết, trước ngày nhập viện đã đi uống rượu với 4 người bạn và có "pha nhầm" chai cồn rửa tay vào rượu. Hôm sau, người bệnh than mệt, nôn ói nhiều, được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu. Kết quả xét nghiệm độc chất cho thấy nồng độ methanol trong máu 242.25mg/dL.
Hiện tại, người bệnh nhập khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU) trong tình trạng bệnh tỉnh tiếp xúc tốt, nôn ói nhiều, được lọc máu, sử dụng ethanol (cồn thực phẩm), vitamin B1.
Đến 15h7 ngày 7/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận P.T.Q (21 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng. Được biết, 2 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân Q. đi uống rượu cùng nhóm với bệnh nhân T.C.T, có pha nhầm chai cồn rửa tay vào rượu.
Khi vào viện, bệnh nhân Q. than mệt, người nhà đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Hiện chưa có quả xét nghiệm độc chất nhưng chẩn đoán theo dõi ngộ độc methanol ngày 3. Bệnh nhân được điều trị tại ICU, dùng ethanol, vitamin B1.
Cùng ngày, Bệnh viện Nhân dân Gia Định lần lượt tiếp nhận các bệnh nhân N.D.L (28 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) vào 15h10, bệnh nhân N.V.Đ (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào 15h34 và bệnh nhân P.H.Th (31 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) vào 16h16. Cả ba nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng và hiện đang chờ kết quả xét nghiệm độc chất methanol.
Theo VNExpress, Methanol là hóa chất độc hại có khả năng gây ngộ độc cho người dùng, thường sử dụng làm nguyên liệu hóa học, công nghiệp và nhiên liệu.
Methanol khi uống vào trong máu có thể chuyển sang dạng chất gây độc, tác động đến rất nhiều cơ quan. Chất này có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, suy hô hấp cấp, suy tim, tụt huyết áp, sốc nặng, suy thận cấp, mù mắt... dễ gây tử vong.