Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 10/06/2024 06:13 (GMT+7)

Tung tin sai sự thật về lộ đề thi có thể bị phạt nặng

Theo dõi GĐ&PL trên

Các tổ chức cá nhân cần tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo Kỳ thi tốt nghiệp THCS và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập được thực hiện một cách nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Những người nào lợi dụng kỳ thi này để đưa thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và gây hoang mang trong dư luận xã hội thì tùy vào tính chất mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tung tin sai sự thật về lộ đề thi có thể bị phạt nặng
Ảnh minh họa.

Ngày 09/6, Sở GD&ĐT TP. Hà Nội đã có công văn gửi Công an TP. Hà Nội về việc xác minh điều tra thông tin mạng xã hội liên quan đến việc lộ đề thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 tại Hà Nội.

Theo đó, trong hai ngày 08 và 09/6, Sở GD&ĐT TP. Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. Trong sáng 09/6, trên một số mạng xã hội có thông tin về việc lộ đề, thay đề dự phòng ở các môn thi ngữ văn, toán, tiếng Anh...

Theo Sở GD&ĐT TP. Hà Nội, các thông tin này không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 của thành phố Hà Nội.

Do đó, Sở GD&ĐT TP. Hà Nội đề nghị Công an TP. Hà Nội chỉ đạo xác minh làm rõ các thông tin liên quan và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để bảo đảm sự nghiêm túc, an toàn của kỳ thi.

Hành vi đưa thông tin sai sự thật trong các kỳ thi quốc gia thời gian qua liên tục xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân từ việc các đối tượng cố tình đưa ra những thông tin "giật gân" để tăng lượng tương tác trên trang cá nhân của mình, nhiều đối tượng tung tin sai sự thật vì coi thường pháp luật cho rằng đưa tin sai sự thật chỉ bị xử phạt hành chính, trong khi đó có rất nhiều trường hợp đã bị xử lý hình sự.

Những thông tin về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội hiện nay được đại đa số phụ huynh và nhiều người dân quan tâm, bởi vậy nếu xuất hiện những thông tin bịa đặt, sai sự thật thì có thể gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh. Thông tin sai sự thật về việc lộ đề thi còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, gây ra sự hoài nghi trong xã hội và có thể tác động khiến nhiều người tạo ra tâm lý tiêu cực đối với hoạt động thi cử.

Thông tin về việc đề thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội bị lộ nêu trên đã khiến Ban Tổ chức phải đổi đề, thông tin này khiến nhiều người lo lắng vào tính minh bạch, công bằng của kỳ thi và có thể gây hoang mang cho các thí sinh và các phụ huynh. Với diễn biến sự việc như vậy thì việc Sở GD&ĐT TP. Hà Nội khẳng định thông tin này là sai sự thật đồng thời đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết.

Trước đây, đề thi tuyển sinh kỳ thi quốc gia được xác định là tài liệu mật thuộc độ “Tối mật”, tuy nhiên từ năm 2020, theo Quyết định 809/QĐ-TTg thì đề thi vào lớp 10 không còn thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật” nữa nhưng là kỳ thi quốc gia nên tài liệu này vẫn được xác định là tài liệu mật theo quy định tại khoản 8, Điều 7, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và vẫn thuộc danh mục tài liệu mật được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Phạm vi bí mật Nhà nước

8. Thông tin về GD&ĐT:

a) Đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia;

b) Thông tin về người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong nước và ngoài nước;…”.

Đề thi, đáp án và các thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia được quy định rất chặt chẽ, có sự giám sát của cơ quan chức năng, những người tham gia kỳ thi này phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao để đảm bảo kỳ thi được tổ chức một cách công bằng, khách quan, đúng pháp luật. Trường hợp người nào có chức vụ quyền hạn nhưng vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân và làm trái công vụ với ảnh hưởng đến kỳ thi thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn" trong khi thi hành công vụ theo Điều 356, Bộ luật Hình sự. Trường hợp có sự thỏa thuận đưa tiền để giúp đỡ phụ huynh, thí sinh của người có chức vụ quyền hạn thì sẽ xử lý về tội "Đưa hối lộ" theo Điều 364, tội "Nhận hối lộ" theo Điều 354, Bộ luật Hình sự.

Trường hợp người có chức vụ quyền hạn, có nhiệm vụ tham gia tổ chức kỳ thi nhưng vì thiếu trách nhiệm mà đã có hành vi hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao thì có thể bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360, Bộ luật Hình sự. Còn trường hợp người nào cố ý hoặc vô ý làm lộ bí mật Nhà nước thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội danh tương tự.

Đối với các tổ chức cá nhân thì cần tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo Kỳ thi tốt nghiệp THCS và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập được thực hiện một cách nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy định của pháp luật. Những người nào lợi dụng kỳ thi này để đưa thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và gây hoang mang trong dư luận xã hội thì tùy vào tính chất mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước sự việc xuất hiện thông tin lộ đề, đổi đề thi thì cơ quan chức năng sẽ điều tra vào cuộc xác minh làm rõ. Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy thông tin về việc lộ đề thi là không đúng sự thật thì cần làm rõ nguồn thông tin này từ đâu, ai là người đưa thông tin sai sự thật này,... để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật An ninh mạng quy định việc đưa thông tin trên không gian mạng phải chính xác, đúng sự thật, không được cố ý đưa thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức. Bởi vậy, nếu trường hợp kết quả xác minh cho thấy thông tin về việc lộ đề, đổi đề thi là tin sai sự thật thì người đưa thông tin này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.

Nếu trường hợp kết quả xác minh cho thấy thông tin là sai sự thật nhưng hậu quả chưa đến mức ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người đưa thông tin sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, nếu với tổ chức thì sẽ phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy thông tin lộ đề thi phải đổi đề thi là sai sự thật và hậu quả được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang trong dư luận xã hội thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo Điều 331, Bộ luật Hình sự hoặc tội "Đưa thông tin trái phép trên mạng internet" theo Điều 288, Bộ luật Hình sự…

Có thể thấy rằng kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội nói riêng và nhiều tỉnh thành trên cả nước nói chung là kỳ thi quan trọng đối với nhiều học sinh và gây ra những áp lực nhất định đối với các phụ huynh, được dư luận xã hội quan tâm.

Đây là kỳ thi quốc gia có tác động lớn đến việc tuyển chọn học sinh THPT, nâng cao chất lượng đào tạo và còn có thể quyết định đến tương lai của các học sinh… Bởi vậy, việc tổ chức kỳ thi này đòi hỏi phải công phu, thận trọng, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Những hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm lộ bí mật Nhà nước xảy ra trong kỳ thi sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với các thí sinh, các phụ huynh học sinh và dư luận xã hội. Bởi vậy, nếu xảy ra trường hợp vi phạm pháp luật trong khâu tổ chức (làm lộ đề thi) thì cần phải xem xét xử lý hình sự.. về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" hoặc các tội danh khác có liên quan.

Còn trường hợp kỳ thi được tổ chức đúng quy định của pháp luật, thông tin lộ đề thi là tin giả gây hoang mang trong dư luận xã hội thì cần phải xem xét xử lý người đưa thông tin sai sự thật này theo quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp có thể áp dụng chế tài hình sự.

Cùng chuyên mục

Điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch công chức
Điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch công chức được nêu rõ tại Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức do Chính phủ ban hành ngày 17/9/2024.
Những sự kiện, hành vi cần lập vi bằng làm bằng chứng
Theo khoản 1 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không lập vi bằng.
Trường hợp về hưu trước tuổi vẫn hưởng 75% lương
Viên chức y tế đã có 28 năm 03 tháng đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, trong đó có 17 năm 08 tháng làm công việc khám và điều trị trực tiếp cho bệnh nhân AIDS. Theo đó, viên chức này muốn biết liệu mình có đủ điều kiện nghỉ hưu sớm và có bị giảm 2% lương hưu mỗi năm về trước tuổi hay không?
Nghỉ hưu có được nhận lại tiền bảo hiểm thất nghiệp đã đóng?
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ này đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc về việc nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm theo hướng người đóng BHTN nhưng đến khi về hưu hoặc chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) thì được thanh toán số tiền cá nhân đã đóng BHTN (1%) vào Quỹ BHTN vì theo nguyên tắc của bảo hiểm là có đóng có hưởng.

Tin mới