Trẻ nói ít và trẻ nói nhiều ai thông minh hơn? Chuyên gia có câu trả lời khiến nhiều bố mẹ suy ngẫm
Nói nhiều và nói ít sẽ thể hiện một phần tính cách, trí tuệ của trẻ.
Trong quá trình nuôi dạy con cái, các bậc phụ huynh sẽ phát hiện ra đứa trẻ của mình thường nói rất nhiều, luyên thuyên suốt ngày, nhưng đứa khác thì lại vô cùng kiệm lời, ít khi giao tiếp hay tương tác với người khác. Hai nét tính cách hoàn toàn trái ngược nhau khiến không ít bố mẹ băn khoăn, liệu rằng đâu mới là tốt cho con?
Trên thực tế, vấn đề về việc trẻ nói nhiều hay nói ít có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trí thông minh và điều này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa nhiều ông bố bà mẹ.
Một số người cho rằng trẻ nói nhiều có khả năng giao tiếp xã hội tốt hơn, trẻ thường tự tin và bản lĩnh hơn. Trong khi đó trẻ ít nói có thể tạo được ấn tượng với người khác bởi sự điềm tĩnh và đáng tin cậy.
Việc trẻ nói nhiều hay nói ít có liên quan đến tính cách của trẻ, và là một phần của bản năng tự nhiên con người nên bố mẹ không cần can thiệp quá sâu. Một số trẻ có tính cách hướng ngoại, thích tương tác và chia sẻ ý kiến, trong khi những trẻ khác có tính cách hướng nội, sống nội tâm và thích ở một mình.
Tuy mỗi người đều có quan điểm khác nhau, nhưng bố mẹ cũng cần phải nhận thức rằng việc trẻ nói nhiều hay nói ít theo thời gian có thể tạo ra những tác động đáng kể đến nhiều mặt trong sự phát triển toàn diện của trẻ.
Vậy đứa trẻ nói nhiều và đứa trẻ nói ít ai sẽ thông minh hơn, có triển vọng hơn trong tương lai? Chuyên gia Tâm lý Lưu Thị Hường sẽ có những phân tích rõ ràng, cụ thể dưới đây để giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn bao quát và kỹ càng trong vấn đề này. Từ đó mỗi ông bố bà mẹ sẽ biết phải giáo dục con cái của mình như thế nào là tốt nhất cho trẻ.
Chuyên gia có thể phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến việc trẻ nói nhiều hoặc nói ít?
Yếu tố bẩm sinh
- Nói nhiều, nói ít liên quan tới yếu tố bẩm sinh. Các nhà tâm lý học nghiên cứu chỉ ra rằng, có rất nhiều nhóm tính cách khác nhau, trong đó có nhóm tính cách nói nhiều, có nhóm tính cách nói ít. Vậy nên nếu bố mẹ thấy đứa trẻ của mình mà thuộc nhóm nào thì hãy vui vẻ đón nhận, bởi mỗi nhóm tính cách đã được ông Trời ban cho một ưu điểm và nhược điểm tương ứng.
Môi trường sống
- Bố mẹ giao tiếp với trẻ nhiều hay ít
- Cách bố mẹ giao tiếp với con
- Trẻ có hay xem tivi, điện thoại hay không?
Nếu bố mẹ giao tiếp nhiều với trẻ thì điều này cũng sẽ huấn luyện cho trẻ nói nhiều hoặc nói ít. Ngược lại, nếu trẻ xem tivi, điện thoại thường xuyên thì lâu dần sẽ hình thành thói quen chỉ thích xem tivi, điện thoại, mà không có thói quen nói hay giao tiếp với người khác.
Cách bố mẹ giáo dục
- Trẻ nói nhiều, bố mẹ mệt nên hay la mắng con, chẳng hạn như "Con im lặng đi nào, toàn nói linh tinh, nói nhiều thế"... thì lâu dần trẻ sẽ ngại nói.
- Trẻ thường xuyên bị đánh đập, bạo hành, thiếu vắng tình yêu thương của bố mẹ thì cũng dễ trở lên lầm lì, ít nói.
Nhiều người quan điểm rằng, trẻ nói nhiều thường thông minh hơn trẻ nói ít, chuyên gia nghĩ sao về điều này?
Chỉ số thông minh IQ là chỉ số mang tính bẩm sinh, trẻ sinh ra đã có chỉ số IQ nhất định và điều này ở mỗi đứa trẻ sẽ khác nhau. Đúng là khi người lớn quan sát nhiều đứa trẻ hay nói, thì thông thường những đứa trẻ này sẽ có tính cách nhanh nhẹn và phản ứng tốt. Tuy nhiên, không hẳn là những đứa trẻ hay nói sẽ thông minh hơn những đứa trẻ ít nói.
Thông qua ngôn ngữ của trẻ, bố mẹ có thể dễ dàng hơn trong việc hiểu thế giới nội tâm của con, suy nghĩ của con. Trẻ hay nói thì khiến bố mẹ dễ dàng "làm bạn" hơn, từ đó có thể xây dựng mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ. Trẻ ít nói thì sẽ ít bộc lộ hơn, nên đôi khi sẽ không thể kết nối được với bố mẹ. Tuy nhiên thì không thể dựa vào điều này để đánh giá trẻ nói nhiều thông minh hơn.
Bởi thực tế cũng đã cho thấy, nhiều đứa trẻ ít nói nhưng khi người lớn giao việc thì luôn hoàn thành tốt, điểm số học tập ở trường cũng rất tốt.
Có những hạn chế ra sao đối với đứa trẻ nói nhiều và đứa trẻ nói ít?
Với trẻ nói nhiều
- Nếu không được giáo dục và có hiểu biết đúng đắn, thì nói nhiều có thể khiến trẻ chỉ tập trung về những chủ đề mà không liên quan tới bản thân, hoặc nói chuyện của người khác,... có thể là lỡ miệng, vạ miệng, hoặc "tam sao thất bản", "thêm mắm thêm muối" vào câu chuyện khiến câu chuyện được lan truyền không kiểm soát, không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
- Dễ gây phiền hà, khó chịu cho người khác vì việc trẻ nói nhiều, luyên thuyên suốt ngày.
Với trẻ nói ít
- Hạn chế về giao tiếp xã hội: Khó kết giao, ít bạn.
- Chất chứa nhiều cảm xúc bên trong mà không nói được: Khi trẻ không nói ra được những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, lâu dần thành thói quen ngại nói chuyện, ngại giao tiếp, tự bản thân trẻ cảm thấy không hạnh phúc, không vui, và khi tham gia vào các hoạt động tập thể cũng sẽ rất ít thể hiện, hay có đóng góp tích cực.
- Dễ đánh mất thiện cảm, tạo cảm giác khó gần đối với người khác khi lần đầu gặp mặt.
Đối với những đứa trẻ nói nhiều và ít nói, cách nuôi dạy của bố mẹ cần có sự khác nhau ra sao để phù hợp, mang lại hiệu quả tốt cho sự phát triển toàn diện của con?
Với trẻ nói nhiều
Bố mẹ hãy hướng dẫn cho con cách để con biến việc nói nhiều thành nói điều hữu ích, mang lại lợi lạc cho bản thân và cho người khác.
Ví dụ: Bố mẹ hãy hướng dẫn cho trẻ về các chủ đề cụ thể: đọc sách, kể chuyện... và hướng dẫn trẻ mô tả lại, kể lại, dạy lại cho người khác. Khi trẻ đọc truyện, sách, chính là giúp cho trẻ có sự hiểu biết đúng đắn, tư duy đúng đắn, và khi dạy lại, kể lại cho người khác thì trẻ cũng có cơ hội được bộ lộ khả năng nói của mình.
Với trẻ ít nói
- Khi trẻ trò chuyện, bố mẹ hãy tập trung lắng nghe để thấu hiểu câu chuyện mà con nói
- Khen ngợi, động viên trẻ khi con có những câu chuyện, lời nói hay
- Bố mẹ dành thời gian để trò chuyện, tậm sự với con thường xuyên, ít nhất là 30 phút mỗi ngày