Thực hư chuyện ăn thịt gà hâm lại dễ bị ung thư?
Nhiều người cho rằng không nên ăn thịt gà hâm lại bởi sẽ dễ sản sinh ra độc tố gây ung thư. Tuy nhiên, theo chuyên gia, chưa có cơ sở để khẳng định điều này.
Người Việt Nam thường có thói quen đồ ăn thừa sẽ được hâm lại cho bữa sau tiết kiệm được thời gian lẫn công sức nấu nướng. Tuy nhiên, có một số món ăn được các bà nội trợ rỉ tai nhau nhất định không được hâm lại vì dễ sản sinh ra độc tố gây ung thư, trong đó, được quan tâm nhiều nhất là món thịt gà. Điều này liệu có đúng?
Trả lời trên VTCNews, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, không có bằng chứng khoa học nào về việc ăn thịt gà hâm lại gây ung thư.
Về nguyên lý, nitrit (là hợp chất của nito được hình thành trong quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ) sau khi vào dạ dày có thể phản ứng (dưới tác dụng của axit dạ dày) để tạo thành chất nitrosamine gây ung thư. Nhưng phản ứng này cần có thêm điều kiện nhất định mới xảy ra, bởi không phải thực phẩm nào cũng chưa nitrit. Ung thư do rất nhiều yếu tố tác động, gồm, vật lý, hóa học và sinh học, không phải tiêu thụ đồ thừa để qua đêm là mắc bệnh.
Theo PGS Thịnh, thức ăn thừa nói chung và thịt gà nói riêng nếu bảo quản không tốt, khi để qua đêm sẽ bị vi sinh vật, nấm mốc, ăn vào dễ ngộ độc. Dấu hiệu là đau bụng, nôn, đi ngoài, khó tiêu.
Lydia Buchtmann – phát ngôn viên của Hội đồng Thông tin An toàn Thực phẩm Mỹ, thịt gà và các loại gia cầm nói chung đều chứa nhiều protein, khi hâm nóng lại sẽ khiến lượng protein này biến chất và gây rối loạn hệ tiêu hóa. Trong trường hợp nặng còn khiến bạn bị tiêu chảy cấp, đầy bụng, chướng hơi…
Chuyên gia khuyến cáo, không chỉ thịt gà mà bất kể thực phẩm nào cũng không nên tích trữ lâu trong tủ lạnh. Thức ăn đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh 1-2 ngày, cho vào túi nilon, hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh, đậy nắp kín, trữ ở ngăn đông hoặc ngăn mát. Các loại rau củ thì nên dùng khi còn tươi.
Các bà nội trợ tốt nhất nên nấu lượng vừa đủ bữa ăn, tránh để thức ăn thừa lại bữa sau, và chỉ nên bảo quản thịt gà chưa qua chế biến.
Trường hợp bắt buộc phải bảo quản thịt gà đã chế biến, sau ăn bạn nên đem đun lại nồi thịt, để nguội và cất vào tủ lạnh. Không nên để nguyên nồi thịt đã dùng đem bảo quản, như vậy rất dễ gây ra hiện tượng nhiễm khuẩn.