Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 17/05/2024 13:02 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức các Kỳ thi năm 2024 nghiêm túc, an toàn

Theo dõi GĐ&PL trên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.

tm-img-alt
Giờ học ôn tập của học sinh lớp 12 chuyên Văn, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Lai Châu). Ảnh: Quý Trung/TTXVN.

Chỉ thị nêu rõ: Những năm qua, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (gọi tắt là Kỳ thi) và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp được tổ chức ngày càng nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn, cơ bản đáp ứng được mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, năng lực học sinh và yêu cầu tuyển sinh.

Tuy nhiên, công tác tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: một số địa phương, đơn vị chưa thật chủ động, quyết liệt trong công tác tổ chức, thực hiện; công tác phối hợp còn thiếu nhịp nhàng, chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; công tác truyền thông chưa đầy đủ, kịp thời; tình trạng sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi ngày càng tinh vi, phức tạp.

Để tổ chức tốt Kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện; thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi; thông tin, truyền thông phải chủ động, kịp thời, đầy đủ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia Kỳ thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; bảo đảm đề thi chất lượng, có mức độ phân hóa phù hợp, tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức Kỳ thi và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức Kỳ thi bảo đảm đúng quy định, chính xác, an toàn; phối hợp với Bộ Công an, các địa phương chỉ đạo, thực hiện các giải pháp phòng, chống tiêu cực, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi; tập trung chỉ đạo công tác tổ chức Kỳ thi; chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; sớm xây dựng phương án cụ thể để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho những học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng chưa tốt nghiệp trong Kỳ thi năm 2024 bảo đảm hiệu quả, tiết giảm ngân sách nhà nước.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi của địa phương bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực; xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Kỳ thi, nhất là các phương án ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, tình huống bất thường; tổ chức tập huấn cho những người tham gia tổ chức Kỳ thi; thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi theo quy định; không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế; tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ thông tin liên lạc vào phòng thi; chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân của thí sinh ở các Điểm thi, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới, hải đảo; chủ động làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí, cung cấp đầy đủ thông tin công khai, minh bạch về Kỳ thi để phụ huynh, xã hội hiểu và đồng thuận trong các khâu tổ chức thực hiện.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học thực hiện kế hoạch tuyển sinh đại học, tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng người học vào giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho Kỳ thi; phòng ngừa, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi.

Bộ Y tế chỉ đạo ngành Y tế các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị y tế thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho các trường hợp thí sinh và những người tham gia tổ chức Kỳ thi có vấn đề về sức khỏe.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chỉ đạo thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác và bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, bưu chính phục vụ Kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tích cực phối hợp, chủ động tham gia cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp bảo đảm an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tham gia hỗ trợ thí sinh, người nhà thí sinh và công tác bảo đảm trật tự, an toàn trong Kỳ thi.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Cùng chuyên mục

Điểm mới về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới so với hiện nay, đặc biệt là về đề thi.
Thi tốt nghiệp THPT 2025: Phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, với 4 môn thi, gồm 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Việc Bộ Giáo dục và đào tạo công bố Đề thi tham khảo năm nay sớm hơn gần 5 tháng đã giúp nhà trường, giáo viên, học sinh Nghệ An chủ động trong quá trình dạy học và ôn tập.

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.