Thu nhập từ kiều hối có tính thuế TNCN không?
Kiều hối là một thuật ngữ khá mới trong các giao dịch và kinh tế - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, về mặt bản chất thì lại rất quen thuộc với người dân, đặc biệt là những người cư trú hay làm việc ở nước ngoài gửi tiền về cho nhân thân tại Việt Nam. Vậy, kiều hối là gì? Thu nhập từ kiều hối có bị tính thuế TNCN?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về định nghĩa của kiều hối và kiều hối có vai trò thế nào.
Tuy nhiên, có thể hiểu một cách khái quát, kiều hối là khoản ngoại tệ được di chuyển từ những người đang cư trú hay lao động tại nước ngoài gửi cho thân nhân của họ ở quê hương, bao gồm: tiền, vàng tiêu chuẩn quốc tế, các loại giấy tờ có giá có đơn vị ngoại tệ,...
Ở một số nước đang phát triển, số tiền được đưa vào từ kiều hối có thể chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn thu nhập, có thể cao hơn viện trợ quốc tế.
Tại một số nước mà có số lượng kiều hối cao sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư khác trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, các mô hình kinh doanh nhỏ,...
Kiều hối có vai trò quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới, cụ thể:
- Kiều hối có vai trò đặc biệt quan trọng tại các nước đang phát triển. Hiện nay, dòng kiều hối vào Việt Nam gia tăng không ngừng, góp phần bù đắp sự thâm hụt cán cân thương mại, xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho các bộ phận người dân được nhận kiều hối.
- Kiều hối là ngoại tệ khá ổn định, kể cả khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, đối với những loại tài chính khác như đầu tư ngoại quốc trực tiếp hay tiền viện trợ từ nước ngoài, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn của nước ngoài.
- Kiều hối giúp cân bằng cán cân thương mại, cân bằng vãng lai tăng trưởng nguồn ngoại tệ dự trữ, góp phần tạo ra nguồn lực cho nền kinh tế tại Việt Nam.
- Kiều hối phát triển có thể tạo ra công ăn việc làm cho người dân.
Cũng theo Luật sư, căn cứ khoản 8 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12, quy định thu nhập từ kiều hối thuộc trường hợp được miễn thuế theo quy định pháp luật.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC cũng có hướng dẫn chi tiết như sau:
- Thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là khoản tiền mà cá nhân nhận được từ nước ngoài do nhân thân là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang đi lao động, học tập, công tác ở nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân trong nước.
- Trường hợp cá nhân được nhận tiền từ nước ngoài do thân nhân là người nước ngoài gửi về đáp ứng đầy đủ các điều kiện khuyến khích chuyển tiền về nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì cũng sẽ được miễn thuế.
- Căn cứ để xác định thu nhập được miễn thuế là các giấy tờ chứng minh nguồn tiền nhận được từ nước ngoài và các chứng từ về việc chi tiền của tổ chức trả hộ (nếu có).
Mặt khác, căn cứ theo Điều 1 và Điều 6 Quyết định 170/1999/QĐ-TTg thì:
- Chính phủ khuyến khích, đồng thời tạo điều kiện để người Việt Nam đang ở tại nước ngoài được phép chuyển ngoại tệ về nước phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật tại các nước mà người Việt Nam đang sống mà có nhu cầu gửi tiền về nước.
- Người nước ngoài chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam nhằm mục đích giúp đỡ cho gia đình, thân nhân hoặc từ thiện cũng được Nhà nước khuyến khích và thực hiện như trường hợp của người Việt Nam.
Tại khoản 3 Điều 6 Quyết định 170/1999/QĐ-TTg cũng nêu rõ quyền của người thụ hưởng là không phải đóng thuế đối với các khoản ngoại tệ được nhận từ nước ngoài.
Do đó, căn cứ theo các quy định nêu trên thì người Việt Nam nhận tiền từ nước ngoài với mục đích giúp đỡ gia đình, thân nhân, từ thiện hoặc nhận tiền nước ngoài từ người thân là người Việt Nam đang định cư, làm việc, học tập tại nước ngoài thì được miễn thuế thu nhập cá nhân.