Thông gia đội nắng 100km chỉ biếu chùm vải, mẹ chồng tôi bĩu môi chê, câu chuyện phía sau khiến bà muối mặt xin lỗi
Đúng là vật chất quyết định ý thức. Mấy ngày nay, mẹ chồng khác ý với tôi hẳn. Bà chủ động cơm nước chứ không chờ tôi về nấu như trước.
Tôi sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em. Bố mẹ tôi xuất thân đều là những người làm nông, thành ra kinh tế cũng không được khá giả lắm. Mặc dù vậy, cả 4 người chúng tôi đều được bố mẹ đầu tư học hành. Giờ đây, anh trai tôi đã làm bác sĩ cho một bệnh viện lớn, 2 chị gái là giảng viên đại học, còn tôi cũng là trưởng phòng kế toán.
Mặ dù vậy, tôi đã vấp phải sự phản đối của mẹ chồng khi về nhà xin được kết hôn. Bà chê tôi xuất thân tỉnh lẻ, không xứng với gia đình 3 đời đều ở thành phố. Hồi ấy, tôi tưởng mối nhân duyên của mình sẽ chẳng đi đến đâu, vì phía nhà trai phản đối kịch liệt quá. Nhưng chồng tôi cũng kiên trì lắm, anh dọa nếu không đồng ý cưới thì hai đứa sẽ bỏ đi nơi khác. Sợ mất đứa con trai duy nhất, cuối cùng mẹ chồng tôi cũng đồng ý đứng ra tổ chức đám cưới. Có điều trong thâm tâm, bà vẫn luôn cảm thấy không hài lòng.
Thật ra sau nhiều năm đi làm, anh chị em tôi cũng gửi tiền về phụng dưỡng bố mẹ. Giờ đây, bố mẹ tôi đã có một căn nhà khang trang cùng cuốn sổ tiết kiệm vài trăm triệu. Chưa kể là ông bà cũng có mấy mảnh đất dắt lưng nữa. So với mặt bằng chung ở quê thì như vậy là khá lắm rồi. Chỉ là trong mắt mẹ chồng, dù có khá giả thế nào thì cũng không thể bằng những gia đình trên thành phố như ông bà.
Đi làm dâu được gần 2 năm, thú thật mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng không ổn chút nào. Mẹ chồng thì tối ngày soi mói, còn tôi thì lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Khi mà ở công ty đã bận, về nhà việc gì cũng đến tay. Thế nhưng đổi lại, tôi may mắn có người chồng hết lòng yêu thương. Nhờ vậy mà cuộc hôn nhân của tôi vẫn giữ được đến lúc này.
Bình thường bố mẹ tôi ít khi lên chơi với con gái. Phần vì xa xôi, 2 nhà cách nhau đến 100km. Phần vì lần nào đến, mẹ chồng tôi cũng không niềm nở. Cách đây vài ngày, bố tôi nói sẽ lên thăm cháu. Vì muốn chủ động nên ông không đi xe khách mà sẽ tự đi bằng xe máy.
Trời nắng, tôi không muốn bố vất vả nên đã nói ông ở nhà. Nhưng bố tôi nhất quyết không nghe, còn bảo:
"Vải trong vườn đang độ chín rộ, để bố mang lên cho các con với cháu ăn. Nhà mình trồng chẳng phun thuốc nên cứ yên tâm mà ăn. Nhân tiện cũng có việc muốn nói với con".
7 giờ sáng, bố đã có mặt ở nhà tôi. Vì đi xe máy, không chở được nhiều nên ông chỉ mang theo mấy chùm vải chín. Thấy thông gia lên mà chẳng có nhiều quà, mẹ chồng liền bĩu môi móc mỉa:
"Lần sau có đồ gì đặc sản ông hãy mang lên. Vải thì ở đây thiếu gì, chợ cách nhà tôi có vài bước chân, họ bán đầy ra mà chẳng ai mua kìa".
Nghe mẹ chồng tôi nói vậy, bố cũng phật ý. Ông cười nhạt:
"Vâng, cái chính là tôi muốn lên nói với cháu vấn đề này. Nhân có bà ở đây, tôi cũng không giấu nữa. Chuyện là chục năm trước vợ chồng tôi có mua mảnh đất. Bây giờ tuyến đường ấy được nhà nước mở rộng, mảnh đất cũng được người ta trả 5 tỷ. Tôi tính bán rồi chia đều cho các con, xem như ra vốn cho chúng nó. Nhưng bà bảo ở trên này chẳng thiếu gì, tôi đang nghĩ không biết con rể có cần số tiền ấy hay không".
Vừa nghe tới đó, mẹ chồng tôi liền thay đổi sắc mặt. Bà vội vàng rót nước mời thông gia, sau đó đon đả tiếp lời:
"Ông chia đều cho các con là phải, quan điểm của tôi là con gái cũng như con trai, con dâu cũng như con rể. Nãy tôi thấy ông đi nắng nên mới nói vậy để lần sau ông không phải tay xách nách mang cho nặng. Nếu ông trót hiểu lầm thì cho tôi xin lỗi".
Đúng là vật chất quyết định ý thức. Mấy ngày nay, mẹ chồng khác ý với tôi hẳn. Bà chủ động cơm nước chứ không chờ tôi về nấu như trước. Tôi đoán có lẽ vì số tiền mà tôi sẽ được bố mẹ cho mới như vậy. Chẳng biết mẹ chồng tôi sẽ tốt như thế tới lúc nào. Dù sao thì sau chuyện này, có lẽ bà cũng sẽ thay đổi suy nghĩ và không dám coi thường gia đình thông gia nữa.