Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 03/07/2023 08:07 (GMT+7)

The Economist: Giáo dục Việt Nam nằm trong số tốt nhất thế giới

Theo dõi GĐ&PL trên

Tờ The Economist của Anh vừa có bài viết khen ngợi hệ thống giáo dục Việt Nam, đề cao giá trị của giáo dục trong nước và năng lực giáo viên tốt. Theo bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam, đã vạch rõ con đường phát triển đất nước, theo đó đề cao lợi ích của giáo dục “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Tờ The Economist của Anh có bài viết khen ngợi hệ thống giáo dục Việt Nam.
Tờ The Economist của Anh có bài viết khen ngợi hệ thống giáo dục Việt Nam.

Bài báo chỉ ra rằng mặc dù ghi nhận tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm gần đây, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam, ở mức 3.760 USD, vẫn thấp hơn so với các nước cùng khu vực như Malaysia và Thái Lan, nhưng chất lượng giáo dục của Việt Nam có thể có ít điều phải phàn nàn.

Theo bài báo, học sinh Việt Nam được học trong một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, phản ánh qua thành tích xuất sắc trong các cuộc đánh giá quốc tế về đọc, toán và khoa học. Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tính tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan, mà còn ở Anh và Canada, các quốc gia giàu hơn gấp sáu lần. Ngay cả ở Việt Nam, điểm số của học sinh không thể hiện mức độ bất bình đẳng về giới tính và vùng miền, vốn phổ biến ở các quốc gia khác.

Bài báo cho rằng xu hướng học tập của một đứa trẻ là kết quả của một số yếu tố - nhiều trong số đó bắt đầu từ gia đình với cha mẹ và môi trường mà các em lớn lên. Tuy nhiên, điều này không đủ để giải thích thành tích xuất sắc của Việt Nam. Bài báo chỉ ra rằng bí mật khác biệt nằm ở lớp học: trẻ em học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu đời.

Trong một nghiên cứu năm 2020, ông Abhijeet Singh tại Trường Kinh tế Stockholm phát hiện năng suất cao hơn của các trường học ở Việt Nam bằng cách kiểm tra dữ liệu từ các bài kiểm tra giống hệt nhau do học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam thực hiện. Ông cho biết trẻ em Việt Nam trong nhóm tuổi từ 5-8 vượt bạn đồng lứa ở các nước khác.

Bài báo nhận định, trường học Việt Nam, không giống như ở các nước đang phát triển khác, cải thiện theo thời gian. Một nghiên cứu công bố vào năm 2022 bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), cho thấy 56 trong tổng số 87 quốc gia đang phát triển ghi nhận chất lượng giáo dục xuống cấp kể từ những năm 1960. Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia nơi các trường học luôn đi ngược lại xu hướng này.

Bài báo cho rằng lý do lớn nhất là năng lực của giáo viên. Không nhất thiết họ có trình độ tốt hơn, mà đơn giản là họ hiệu quả hơn trong giảng dạy. Một nghiên cứu so sánh học sinh Ấn Độ với học sinh Việt Nam cho rằng phần lớn sự khác biệt về điểm số trong các bài kiểm tra toán là do chất lượng giảng dạy.

Giáo viên Việt Nam làm tốt công việc của mình vì họ được quản lý tốt. Họ được đào tạo thường xuyên và được tự do làm cho các lớp học hấp dẫn hơn. Để giải quyết sự bất bình đẳng khu vực, những người dạy ở vùng sâu vùng xa được trả lương cao hơn. Quan trọng nhất, đánh giá giáo viên dựa trên kết quả học tập của học sinh. Những giáo viên có học sinh học giỏi được khen thưởng danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”.

Theo bài báo, Đảng cũng quan tâm sâu sắc tới giáo dục và đảm bảo các chính sách được điều chỉnh để cập nhật chương trình và tiêu chuẩn giảng dạy. Các tỉnh được yêu cầu dành 20% ngân sách cho giáo dục, giúp đảm bảo công bằng khu vực. Xã hội nói chung cũng chia sẻ quan điểm đề cao giáo dục do các gia đình chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Các gia đình không khá giả cũng sẵn lòng đầu tư về giáo dục cho con em. Tất cả những điều này gặt hái nhiều kết quả. Khi các trường học được cải thiện, nền kinh tế Việt Nam cũng vậy.

Tuy nhiên, bài báo cũng chỉ ra những thách thức đối với hệ thống giáo dục Việt Nam. Các công ty ngày càng muốn những lao động có các kỹ năng tinh vi hơn, chẳng hạn như kỹ năng quản lý nhóm, điều mà học sinh Việt Nam không được đào tạo. Tăng trưởng cũng kéo người di cư đến các thành phố, gây quá tải các trường học ở đô thị. Nhiều giáo viên bỏ nghề để làm những công việc lương cao hơn trong khu vực tư nhân.

Bài báo kết luận, để đảm bảo Việt Nam vẫn là quốc gia có chất lượng giáo dục tốt nhất, chính phủ sẽ phải xử lý những vấn đề này, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở, tu dưỡng phải được chú ý thường xuyên.

Cùng chuyên mục

Hạnh phúc của nghề giáo
Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các giáo viên trẻ đã có những chia sẻ về niềm tự hào và hạnh phúc khi được gắn bó với nghề cao quý này.

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.