Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 26/03/2024 06:30 (GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh tầm soát bệnh lao bằng ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo

Theo dõi GĐ&PL trên

Hoạt động sàng lọc lao trên địa bàn phường 2, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng máy X-quang kết hợp Trí tuệ Nhân tạo để tăng độ chính xác trong việc phát hiện các phim chụp phổi bất thường.

tm-img-alt

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số ca mắc lao cao nhất cả nước, trung bình từ 17.000-18.000 ca mắc mới mỗi năm. Nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lao, đưa vào chương trình điều trị, hạn chế lây lan ra cộng đồng, thời gian gần đây, thành phố đã triển khai hoạt động tầm soát bệnh lao bằng ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI).

Giữa tháng 3/2024, Trung tâm Y tế quận 8 đã triển khai tầm soát lao miễn phí cho người dân trên địa bàn phường 2, quận 8. Đây là hoạt động sàng lọc chủ động phát hiện bệnh lao trong cộng đồng thông qua chiến lược 2X (X-Quang và Xpert).

Hoạt động này được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chương trình Chống lao Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế quận 8 và Tổ chức phi chính phủ Friends for International Tuberculosis Relie (Những người bạn hỗ trợ điều trị bệnh lao quốc tế - FIT).

Bác sỹ Trần Văn Tuấn, Phụ trách Phòng khám lao thuộc Trung tâm Y tế quận 8, cho biết chủ động phát hiện bệnh lao là một công tác quan trọng, giúp bệnh nhân có thể phát hiện sớm tình trạng bệnh, tiếp cận điều trị kịp thời và giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Đối tượng được tham gia tầm soát bệnh lao trong đợt này là nhóm có nguy cơ mắc lao cao như: người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao; những người mắc các bệnh như HIV, viêm gan siêu vi B/C hoặc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; người trên 60 tuổi; người có triệu chứng nghi lao như ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, sốt về chiều, đổ mồ hôi đêm; những người sống trong khu nhà trọ…

Với sự vận động và tuyên truyền của các cấp chính quyền, hoạt động tầm soát lao tại phường 2, quận 8 đã thu hút 375 người dân tham gia, trong đó phát hiện 75 trường hợp có nghi ngờ mắc lao thông qua hình ảnh phim phổi bất thường và được xét nghiệm đờm bằng máy Gene Xpert.

Đáng chú ý, hoạt động sàng lọc lao lần này có sử dụng máy X-quang kết hợp Trí tuệ Nhân tạo để tăng độ chính xác trong việc phát hiện các phim chụp phổi bất thường. Công nghệ tiên tiến này đã đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lao và giúp cho quá trình phân loại, đánh giá bệnh trở nên nhanh chóng, hiệu quả.

"Nếu như trước đây, bệnh nhân phải đợi kết quả chụp X-quang lên đến hàng giờ thì nay với ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo, kết quả được trả trong vài giây. Nhờ vậy, người bệnh có thể được chăm sóc rất nhanh chóng, không phải ngồi chờ, về phía cơ sở khám chữa bệnh thì cũng giảm áp lực hơn," bác sỹ Trần Văn Tuấn nhận xét.

Trước đó, trong năm 2023, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đẩy mạnh hoạt động tầm soát lao thường xuyên, ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo vào đọc phim và chẩn đoán bệnh lao, hỗ trợ bác sĩ nâng cao năng lực, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.

Trong năm 2023, Chương trình Chống lao Thành phố Hồ Chí Minh đã tầm soát bệnh bằng Trí tuệ Nhân tạo cho hơn 70.000 người tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và cộng đồng.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo trong tầm soát bệnh lao giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán, tăng cường độ chính xác, đóng góp hiệu quả cho mục tiêu loại trừ bệnh lao tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vào năm 2035. Đây là một bước quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh lao, mang lại hy vọng và sự phát triển bền vững cho sức khỏe cộng đồng.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Lân khuyến cáo những người nên đi tầm soát bệnh lao là những người tiếp xúc gần, thường xuyên với bệnh nhân lao phổi như: người có người thân, bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên y tế; người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, suy thận mạn, bệnh bụi phổi...; người suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như ung thư, người nhiễm HIV, điều trị corticoid…

Ngoài ra, người đã có tiền sử điều trị bệnh lao, người nghiện rượu, người hút thuốc lá/thuốc lào, người trên 60 tuổi… cũng cần thường xuyên khám tầm soát.

Cùng chuyên mục

Cảnh báo tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc chì ở trẻ em mà cha mẹ ít cảnh giác đó là do dùng các loại thuốc nam (dân gian gọi là thuốc cam) không rõ nguồn gốc, với mong muốn giúp con tăng cân và chữa lành một số bệnh thông thường.
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Cảnh báo tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc chì ở trẻ em mà cha mẹ ít cảnh giác đó là do dùng các loại thuốc nam (dân gian gọi là thuốc cam) không rõ nguồn gốc, với mong muốn giúp con tăng cân và chữa lành một số bệnh thông thường.
Hà Nội: Sẵn sàng triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học
Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Hội nghị hướng dẫn, triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học nhằm thực hiện kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ.