Thái Bình: Công ty Cổ phần Febecom đang thách thức pháp luật?
Khi những hệ luỵ về ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất chưa được khắc phục, đến nay Công ty Cổ phần Febecom tiếp tục tái diễn việc xả thải “bức tử” môi trường sống của người dân.
Theo tìm hiểu, ngày 14/6/2018, Công ty CP Febecom tại KCN Phúc Khánh, TP. Thái Bình, được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thức ăn thủy hải sản; sản phẩm dạng bột, dạng mảnh, dạng viên công suất 140.000 tấn/năm và sản xuất thức ăn bổ sung cho gia súc, gia cầm với công suất 18.000 tấn/năm.
Công ty Febecom là doanh nghiệp nhận chuyển nhượng tài sản của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) – đơn vị đã được Công ty Cổ phần Tập đoàn Quang Minh bàn giao tài sản và đề xuất phương án xử lý nhà máy Thái Bình để giải quyết khoản nợ tại Techcombank theo hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thuê với tổng diện tích 41.567,6m2 tại Khu công nghiệp Phúc Khánh. Trong quá trình hoạt động, công ty thường xuyên có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, mặc dù đã nhiều lần được nhắc nhở, xử lý.
Trụ sở Công ty Cổ phần Febecom tại KCN Phúc Khánh, TP Thái Bình. |
Tính đến tháng 7/2020, doanh nghiệp này chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt về thủ tục đất đai, chưa khắc phục các vi phạm về môi trường và cấp phép hoạt động nhưng Công ty Febecom vẫn vô tư hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Về vấn đề trên đã có hàng loạt kiến nghị, đơn thư của người dân được gửi tới cơ quan chức năng, và nhiều báo cáo của UBND phường Phúc Khánh lên cấp trên, cùng đó là hàng loạt buổi kiểm tra liên ngành được diễn ra.
Theo thống kê của vị Tổ Trưởng tổ dân phố số 7, phường Phúc Khánh, TP. Thái Bình, thì chưa đầy 3 năm (kể từ cuối năm 2018) người dân trong khu vực đã kéo ra cổng nhà máy gần hai chục lần để ngăn chặn, phản đối doanh nghiệp này gây ô nhiễm. Sau mỗi lần như thế họ đều dừng hoạt động nhưng sau đó đâu lại vào đấy, không có bất cứ thay đổi nào ?!
Về phía chính quyền địa phương, trao đổi với PV, một lãnh đạo phường Phúc Khánh tỏ rõ sự “ngán ngẩm” trước sự coi thường pháp luật của doanh nghiệp này. Theo vị lãnh đạo này, tình trạng ô nhiễm tại Công ty Febecom đã kéo dài nhiều năm nay, và với thẩm quyền của phường cũng chỉ biết lập biên bản, báo cáo lên cấp trên để xử lý, đồng thời giải thích vận động người dân để đảm bảo an ninh trật tự.
Dư luận tin rằng khi người dân, chính quyền và hàng loạt cơ quan báo chí lên tiếng phản ánh mạnh mẽ việc Công ty Febecom vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, môi trường thì doanh nghiệp này sẽ tiếp thu, khắc phục những tồn tại để phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo môi trường sống an toàn cho người dân.
Công ty Febecom xả thải gây ô nhiễm môi trường (Ảnh cắt từ clip). |
Thế nhưng, sáng nay (4/8), Công ty Febecom tiếp tục tái diễn hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường. Việc làm thể hiện rõ sự coi thường pháp luật, sức khoẻ và tính mạng người dân sống quanh khu vực đã gây bức xúc, tạo sự phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Theo đó, một đoạn clip ghi lại cảnh Công ty Febecom xả thải gây ô nhiễm vào lúc 7h00 sáng ngày 4/8, mà người dân cung cấp cho PV Môi trường và Đô thị Việt Nam cho thấy, một lượng lớn khí thải cùng khói đen kịt được phát tán ra từ Công ty Febecom đã bao phủ và gây ô nhiễm cả một khu vực.
Trao đổi với PV, chị Trần Thu H. bức xúc nói: “Sáng sớm nay khi nhiều gia đình vẫn còn đang ngủ thì Công ty Febecom xả thải trực tiếp ra môi trường đã làm náo loạn tất cả, khi mùi hơi thối nồng nặc bay vào nhà dân. Con tôi còn nhỏ đang ngủ bỗng dưng bật dậy ôm mặt khóc, liền sau đó tôi phải đóng kín tất cả các cửa lại”.
Để Công ty Febecom hoạt động ngoài vòng pháp luật trong nhiều năm qua, thì không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các Sở, ngành liên quan của tỉnh Thái Bình. Và để thượng tôn pháp luật, đồng thời đảm bảo môi trường sống cho người dân địa phương, dư luận xã hội đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cần nhanh chóng vào cuộc, áp dụng đồng bộ các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng ô nhiễm đã và đang diễn ra tại Công ty Febecom.
Ngoài ra, nếu cần thiết có thể đóng cửa nhà máy để buộc Công ty Febecom phải hoàn thiện thủ tục hồ sơ, trang bị máy móc và đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất của đơn vị này.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc.