Tạo thuận lợi cho người bệnh trong chuyển tuyến, thông tuyến
Theo quy định, từ năm 2014, người bệnh phải chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên một cách tuần tự, nhưng từ năm 2016 đã thông tuyến khám, chữa bệnh ở cấp huyện và từ năm 2021 đã thông tuyến điều trị nội trú tuyến tỉnh.
Theo đó, người bệnh khi tự đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tuyến tỉnh trên toàn quốc đều được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán như đi khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Các quy định này đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh.
Bác sỹ Lê Văn Phúc Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn ủng hộ quan điểm đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, việc tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia phải gắn liền với sự bền vững của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Tránh tình trạng bệnh nhẹ cũng điều trị tại tuyến Trung ương, gây quá tải, lãng phí nguồn lực tài chính (cả của Quỹ Bảo hiểm y tế cũng như của người tham gia bảo hiểm y tế) không cần thiết, không phát huy được hiệu quả của y tế tuyến cơ sở.
Nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh trong việc “chuyển tuyến” và đảm bảo đúng quy định, cần quy định cơ sở y tế thuộc cấp ban đầu, cấp cơ bản (tương đương cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện theo quy định hiện hành) là các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý khám, chữa bệnh ban đầu cho tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản (tương đương cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh theo quy định hiện hành) và cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu không điều trị các bệnh và không thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật mà cấp ban đầu có thể thực hiện được.
Điều này nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh ban đầu của người tham gia bảo hiểm y tế; phù hợp với nhiệm vụ phân cấp cho cơ sở khám, chữa bệnh các cấp theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; hướng tới nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở như chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 99/2023/QH15, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư.
Ngoài ra, cần nghiên cứu quy định chỉ áp dụng “thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế” giữa cơ sở khám, chữa bệnh các cấp đối với các trường hợp đã được chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu mà cơ sở thuộc cấp cơ bản không thực hiện được. Giao Sở Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội các tỉnh căn cứ danh mục bệnh được thông tuyến khám, chữa bệnh của Bộ Y tế quy định và khả năng cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh của địa phương để quy định các bệnh, tình trạng bệnh được thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Quy định này tạo thuận lợi trong khám, chữa bệnh cho những người bệnh thực sự cần được thăm khám, theo dõi, điều trị chuyên khoa sâu; hạn chế các bất cập của quy định “thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế” tại Luật số 46/2014/QH13 dẫn đến tình trạng quá tải tại cơ sở y tế tuyến trên, cũng như gia tăng chi phí khám, chữa bệnh không thực sự cần thiết.