Tài xế chưa nộp phạt nguội sẽ bị từ chối cấp giấy phép lái xe
Tài xế có quyền được đổi, cấp lại GPLX nhưng sẽ bị từ chối thực hiện việc này nếu chưa hoàn thành nộp phạt vi phạm từ ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực (01/01/2025).
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực từ 01/01/2025, tài xế chưa chấp hành xử lý vi phạm hành chính do vi phạm giao thông đường bộ sẽ chưa được cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX).
Theo đó, Luật TTATGT đường bộ mới quy định, người có GPLX được đổi, cấp lại trong các trường hợp: GPLX bị mất; bị hỏng không còn sử dụng được; Theo thời hạn ghi trên GPLX; Thay đổi thông tin.
Bên cạnh đó, GPLX nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng; hoặc GPLX do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cũng nằm trong diện cấp đổi, cấp lại GPLX.
Đáng chú ý, Luật TTATGT đường bộ 2024 còn quy định: Chưa cấp, đổi, cấp lại GPLX đối với người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi người đó chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đồng nghĩa với việc, từ ngày 01/01/2025, nếu tài xế vi phạm TTATGT đường bộ bị phạt nguội mà chưa nộp phạt sẽ bị từ chối cấp, đổi, cấp lại GPLX. Chỉ khi chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính xong mới được xử lý việc cấp, đổi, cấp lại GPLX.
Luật TTATGT đường bộ còn bổ sung thêm loại xe ô tô sẽ phải lắp camera giám sát hình ảnh người lái xe.
Theo đó, xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Như vậy, so với quy định hiện hành sẽ có thêm loại xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe là xe cứu thương (phù hợp với quy định hoạt động vận tải bệnh nhân bằng xe ô tô cứu thương tại Luật Đường bộ 2024).
Điều này nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động vận tải bệnh nhân bằng xe ô tô cứu thương, góp phần đảm bảo an toàn cho người bệnh, hạn chế rủi ro cho người sử dụng dịch vụ, bệnh nhân cấp cứu…