Sáng 24/6: Cả nước còn 32 ca COVID-19 nặng
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 693 ca/ngày. Đây là cọn số trung bình thấp nhất trong nhiều tháng qua bởi trước đó.
Theo Bộ Y tế, ngày 23/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 740 ca nhiễm mới đều ở trong nước (giảm 148 ca so với ngày trước đó) tại 37 tỉnh, thành phố (có 634 ca trong cộng đồng). Hà Nội có 154 ca COIVD-19, tiếp tục là địa phương ghi nhận nhiều nhất; 36 tỉnh, thành còn lại chỉ ghi nhận từ 1-54 ca COVID-19/ ngày, trong đó gần 1/3 trong số đó có dưới 10 ca COVID-19/ ngày.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 693 ca/ngày. Đây là cọn số trung bình thấp nhất trong nhiều tháng qua bởi trước đó, có những thời điểm số mắc trung bình lên đến hơn 100.000 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.740.595 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.422 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.732.828 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.604.530), TP. Hồ Chí Minh (609.935), Nghệ An (485.458), Bắc Giang (387.718), Bình Dương (383.796).
Đến nay, theo thống kê, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh ở nước ta là: 9.627.924 ca. Trong số các trường hợp mắc COVID-19 đang điều trị có 32 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 23 ca;Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 5 ca.
Theo Bộ Y tế, số mắc COVID-19 trong thời gian qua có xu hướng giảm mạnh nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố.
Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới.
Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Cần tiếp tục quản lý, duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới; nâng cao công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến chủng mới của COVID-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi để ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên; Đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp phòng ngừa lây nhiễm, nhất là đối với các biến chủng mới.
Nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở. Tăng cường giám sát, có các biện pháp đồng bộ giảm thiểu ảnh hưởng sau điều trị COVID-19.
Tăng cường truyền thông, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống giáo dục…trong việc vận động tiêm vaccine phòng COVID-19 và phòng, chống dịch bệnh; tổ chức phát động Chiến dịch tiêm chủng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn quốc, đi đầu, gương mẫu trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo.