Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Chủ nhật, 27/02/2022 16:15 (GMT+7)

Sai sót trong SGK tiếng Việt 1: NXB Giáo dục giải thích chưa thuyết phục, ít lắng nghe góp ý

Theo dõi GĐ&PL trên

Có nhiều ý kiến cho rằng, không dạy chữ "p" thì sau khi học sinh gặp phải những từ có chữ "p" đứng trước nguyên âm sẽ phát âm sao cho đúng? Ngôn ngữ cũng phát triển theo sự phát triển của xã hội, bởi vậy không thể theo lối mòn cũ mà bị “bỏ quên”.

Biên soạn sách cũng cần phải theo xu thế phát triển của xã hội

Những ngày này, câu chuyện bỏ không dạy chữ "p" độc lập và chữ "p" đi với nguyên âm trong cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục đã dấy lên một làn sóng dư luận phản đối mạnh mẽ. Dư luận cho rằng, quan điểm soạn sách như vậy đã lạc hậu, không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay.

tm-img-alt

Theo như phân tích của PGS.TS Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Chữ cái "p", khi xét vị trí trong tiếng Việt phải tính đến cả vị trí của nó trong các từ chung và các từ chỉ tên riêng. Chữ "p" xuất hiện rất nhiều trong từ ngữ tiếng Việt, đặc biệt là trong những từ ngữ dân tộc thiểu số có chữ "p" độc lập hoặc đi với nguyên âm đã gia nhập ngôn ngữ phổ thông của Việt Nam".

“Bởi vậy, việc bỏ không dạy chữ "p" độc lập và chữ "p" đi với nguyên âm là một việc làm khó hiểu và không thể biện minh”, PGS.TS Dân nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông: "Trong các kết quả nghiên cứu về ngữ âm học tiếng Việt từ cuối thế kỷ trước, âm "p" được coi là âm mượn từ tiếng Âu châu. Nói cách khác, người ta quan niệm đó là âm không có trong tiếng Việt. Về bản chất, nó là phụ âm môi – môi, khi phát âm hơi bật ra nên gọi là phụ âm bật hơi, tắc vô thanh".

tm-img-alt
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông.

Tuy nhiên, đó là nhìn nhận "p" với tính chất là phụ âm đầu. Trong cấu tạo âm tiết tiếng Việt, "p" còn tham gia với tư cách là phụ âm cuối. Nó có mặt trong rất nhiều từ như: khiếp (khiếp đảm, khiếp vía, khiếp hãi), tiếp (tiếp nhận, tiếp theo, tiếp tục). Đặc biệt là nó có mặt trong nhiều từ láy: chiêm chiếp, thiêm thiếp… Do đó, dạy tiếng Việt cho các em không thể không dạy âm "p".

Trên phương diện từ vựng, vào thời điểm đó, các kết quả nghiên cứu cho thấy, các từ có âm "p" mở đầu tồn tại rất ít. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay thì tình hình đã khác nhiều. Bởi, quá trình hội nhập khu vực và thế giới, số lượng các từ có âm "p" từ nước ngoài vào Việt Nam không còn ít như trước mà ngày một tăng lên.

PGS. Đạt nói thêm: “Việc không dạy âm "p" trong sách tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) là chủ trương không đúng và lạc hậu với tình hình. Tôi cho rằng, quan niệm âm "p" là âm mượn từ nước ngoài cần được xem xét lại vì trên thực tế âm này, như đã nói, không hiếm gặp khi tao khảo sát tên người và địa danh của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Nó là một phụ âm vẫn được sử dụng hàng ngày trong ngôn ngữ các dân tộc. Hơn nữa, dù quan niệm âm "p" là một âm mượn từ tiếng nước ngoài, nhưng thực tế nó đi vào tiếng Việt đã khá lâu và tham gia vào hệ thống ngữ âm tiếng Việt như một yếu tố không thể thiếu của hệ thống. Nói cách khác, nó phải được quan tâm một cách bình đẳng với các âm khác khi dạy tiếng Việt cho học sinh”.

Nhà xuất bản Giáo dục trả lời không thuyết phục

Trước những phản ứng của dự luận, Nhà xuất bản Giáo dục cũng đã lên tiếng phản hồi, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia những giải trình mà Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra chưa thuyết phục.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông nói: “Tôi đã đọc bài của Tổng chủ biên lý giải về việc dạy chữ "p" trong sách tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), cách giải thích của ông Tổng chủ biên chưa hướng đúng vào trọng tâm của dư luận; đó là dạy âm "p" khi nó đứng trước các nguyên âm. 

Rõ ràng, chỉ giới thiệu các từ có âm "p" là chưa đủ mà phải dạy nó với tư cách là một phụ âm đầu. Dù có quan niệm cho rằng, đó là âm ngoại lai, nhưng thực tế nó đã đi vào hệ thống ngữ âm tiếng Việt. Với biện lý rằng, nhà ngữ âm hàng đầu của Việt Nam coi đó là âm ngoại lai nên có thể coi đó không phải là phụ âm đích thực của tiếng Việt và không chú trọng dạy nó. Như thế lại càng sai hơn nữa, vì như tôi nhấn mạnh, cách quan niệm như vậy là cách quan niệm rất cũ. Chứng cớ là, trong danh mục tên người và địa danh của các dân tộc thiểu số Việt Nam, âm "p" là một âm không hiếm gặp: Giàng A Páo, Sa Pa, Pắc Bó (Pác Bó),… trong đó có cả các địa danh có tính lịch sử.

Như thế, quan niệm cho rằng, chưa dạy chữ "p" vì rất ít từ tiếng Việt có chữ "p" đứng trước các nguyên âm là quan niệm thiếu tính khoa học, đặc biệt rất xa rời thực tiễn phát triển của ngôn ngữ cũng như của xã hội”.

PGS. Đạt nhấn mạnh: “Theo thông lệ trên thế giới, thường sau 20 năm người ta phải thay sách giáo khoa để tránh tụt hậu. Từ thời điểm như tôi vừa nêu, đến nay đã trải qua 30 – 40 năm rồi, chủ trương dạy tiếng Việt như vậy theo tôi là chưa đáp ứng được chuyên môn cũng như thực tế. Nó rất bất lợi cho khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ em”.

Còn ông Đào Quốc Vịnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mong các vị chuyên gia biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt hãy đọc lại và suy ngẫm thật thấu đáo cuốn sách của Giáo sư Đoàn Thiện Thuật mà đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã viện dẫn, để hiểu rõ hơn thế nào là phụ âm đầu và phụ âm cuối. Trong khoa học, nhất là các ngành khoa học xã hội, trong đó có ngành ngôn ngữ học, về lý thuyết các nhà khoa học có thể có những ý kiến khác nhau, nhưng không phải ai cũng tán thành quan điểm như chủ biên cuốn sách đã dẫn.

tm-img-alt
Ông Đào Quốc Vịnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ông Vịnh phân tích thêm: "Các vị cho rằng, sách tiếng Việt lớp 1 của bộ Kết nối tri thức dạy "p" theo giải pháp dạy chữ "p" giống với tiếng Việt 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chương trình tiếng Việt năm 2000, đây là việc làm tùy tiện, mang tính sao chép nhưng thiếu đồng bộ.

Bởi vì, sách tiếng Việt 1 theo chương trình năm 2000 đã cũ kỹ, cần phải đổi mới nên mới có Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hơn nữa, trong cuốn sách cũ đó tác giả tuy không dạy âm pờ nhưng có dạy chữ "p" ngay trong sách giáo khoa và vở tập viết cho học sinh. Điều này, những người viết sách đã không đọc tham khảo.

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã dẫn một số cuốn sách tiếng Việt khác cũng do nhà xuất bản này biên soạn và phát hành, cho thấy cả mấy cuốn sách đều sai giống hệt nhau, hoàn toàn không không dạy phụ âm đầu "p”.

Trước những phân tích đó, các chuyên gia, giáo viên cho rằng Nhà xuất bản Giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận và tiếp thu những đánh giá, góp ý. Ngôn ngữ cũng phát triển theo sự phát triển của xã hội, không thể cứ rời xa thực tế dẫn đến học sinh là người phải chịu.

Bên cạnh đó, trước đó bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục cũng nhận nhiều góp ý, phản ánh của các chuyên gia, báo chí về những sai sót của mình nhưng dường như Nhà xuất bản Giáo dục chẳng mấy mặn mà có chăng cũng chỉ làm nửa vời, không triệt để.

Cùng chuyên mục

Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 02/5 đến 17h ngày 10/5, các thí sinh sẽ chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong đó, thí sinh tự do sẽ đăng ký dự thi trực tiếp, không phải trực tuyến như học sinh đang học lớp 12; địa điểm đăng ký dự thi do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.

Tin mới

Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cảnh báo các cuộc gọi lừa đảo
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) đã nhận được nhiều phản ánh về việc khách hàng nhận được cuộc gọi mạo danh là nhân viên điện lực cung cấp thông tin do điện lực tính sai hóa đơn tiền điện trong kỳ thay đổi Lịch ghi chỉ số về những ngày cuối tháng nên liên hệ để hoàn tiền % theo hóa đơn, hoặc trả tiền điện thừa cho khách hàng.