Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 02/08/2021 08:24 (GMT+7)

Quỳ Hợp: “Con voi chui lọt lỗ kim” khai thác khoáng sản trái phép!

Theo dõi GĐ&PL trên

Ngày 18/6/2021, UBND huyện Qùy Hợp(Nghệ An) đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện. Nhưng, đoàn lại bỏ qua rất nhiều sai phạm do nhân dân phản ánh.

Công tác quản lý tài nguyên còn nhiều vấn đề ở Quỳ Hợp

Ngày 31/7/2021, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng bài viết về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. sau khi đăng tải nhiều bạn đọc đã gọi điện về đường dây nóng, chia sẻ thêm về vấn đề này.

Được biết, sáng 15/7/2021, Đại tá Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã trực tiếp chỉ đạo bắt quả tang hàng chục đối tượng và phương tiện đang hoạt động khai thác khoáng sản (đá trắng) trái phép với số lượng lớn tại núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An mặc dù trước đó ngày 18/6/2021 đoàn liên ngành của Huyện Quỳ Hợp cũng đã kiểm tra và phát hiện ra sai phạm này, nhưng lại không có động thái xử lý.

Mới đây, ngày 21/7 tại khu vực đường lò số 9 của công ty TNHH thiếc Hà An, thuộc địa phận xã Châu Hồng, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An. Một vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra làm anh Lường Minh Nghĩa sinh năm 1983 trú tại xóm Đồng Danh, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên tử vong. Vậy trước đó đoàn liên ngành huyện Qùy Hợp có phát hiện ra việc mất an toàn lao động ở mỏ thiếc này hay không? Đó là câu hỏi mà dư luận vẫn đang đặt ra với các cơ quan chức năng của Huyện.

Tiếp đó, tại xã Đồng Hợp dù không được cấp phép khai thác mỏ nhưng gia đình ông Lê Giao, xóm Đồng Bản (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) vẫn ngang nhiên mở đường, khoét núi rút ruột hàng ngàn m3 đá tại khu vực núi Hang Dơi (núi Nghĩa Địa), thế nhưng đoàn liên ngành của huyện cũng không phát hiện ra hoặc có phát hiện ra theo nguồn phản ánh dư luận của nhân dân thì cũng không xử lý.

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV và cá nhân ông Giao đã gọi điện ra Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam xác nhận mình chỉ là người “đến sau” khai thác trái phép mỏ đá này. Trước đó DNTN Long Anh, có địa chỉ tại Xóm 1, xã Đồng Hợp do ông Đặng Văn Long làm chủ đã đứng ra khai thác từ những năm 2004. Doanh nghiệp này khai thác hơn chục năm nhưng chủ yếu bằng các phương pháp thủ công là chính, chỉ có đến khi ông Lê Giao đi vào khai thác khoảng 3 năm nay nhưng đã sử dụng nhiều phương tiện khai thác chuyên dùng, hiện đại để khai thác ồ ạt, dẫn đến tình trạng “chảy máu” tài nguyên nghiêm trọng.

Như vậy, lần theo những phản ánh bức xúc của người dân thì việc khai thác khoáng sản trái phép ở Quỳ Hợp diễn ra trong một thời gian dài nhưng không bị xử lý, chỉ khi có vụ việc nghiêm trọng nào xảy ra thì mới được cơ quan chức năng xem xét hoặc xử lý qua loa cho xong khiến dư luận hoài nghi và đặt ra câu hỏi lớn về công tác quản lý khoáng sản và trách nhiệm của các cơ quan chức năng nơi đây? Tại sao hoạt động khai thác trái phép rầm rộ, diễn ra trong thời gian dài như vậy lại không bị xử lý? Cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Và đoàn kiểm tra liên ngành huyện đã đi kiểm tra nhưng tại sao không phát hiện ra những vụ việc trên?

Pháp luật quy định như thế nào về việc bảo vệ khoáng sản?

Hoạt động khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép là hành vi bị cấm trong Luật Khoáng sản 2020. Luật này cũng quy định rất rõ về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại Điều 16, 17, 18, 19.

Theo Điều 19, Luật Khoáng sản 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật này; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực biên giới, hải đảo hoặc khu vực cấm hoạt động khoáng sản vì lý do quốc phòng, an ninh.

Khoản 3, Điều 16 quy định, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

Trong đó, Khoản 3, Điều 18 Luật Khoáng sản 2020 quy định, UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép; Phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

Điều 18 của Luật Khoáng sản 2020 được hướng dẫn thực hiện bởi Điều 17 và Điều 18 Nghị định 158/2016/NĐ-CP. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn địa phương mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm để diễn ra kéo dài.

Trao đổi với PV về việc khai thác đá trái phép tại xã Đồng Hợp, qua điện đàm với ông Nguyễn Đức Trung Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết đã nhận được thông tin, đồng thời cảm ơn quý báo và sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý nếu có dấu hiệu sai phạm.

Việc khai thác đá trái phép tại khu vực núi Hang Dơi (núi Nghĩa Địa), xã Đồng Hợp, huyện Qùy Hợp, Nghệ An đến nay đang trong tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp, ngành tỉnh Nghệ An cần vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn, xử lý triệt để, góp phần lập lại kỷ cương tại khu vực này, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Những lý do khiến trình diễn drone không thể thay thế pháo hoa
Cùng với sự phát triển của phương tiện bay không người lái, trình diễn drone đang trở thành một xu hướng mới, phát triển mạnh mẽ trong ngành giải trí và sự kiện toàn cầu. Nhiều người cho rằng, drone sẽ có thể thay thế và làm mất đi sức hấp dẫn của pháo hoa.