Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 10/12/2021 17:00 (GMT+7)

Phúc Thọ, Hà Nội: Doanh nghiệp "kêu cứu" !

Theo dõi GĐ&PL trên

Ông Đoàn Văn Lâm (Chủ doanh nghiệp), khẩn thiết mong các cấp chính quyền huyện Phúc Thọ và UBND xã Võng Xuyên dời thời gian tháo dỡ nhà xưởng sau tết nguyên đán, để "cứu" doanh nghiệp, cùng người lao động vượt qua đại dịch Covid-19.

Tâm tư trước bờ vực phá sản

Quá trình thực hiện tuyến bài viết về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, văn minh đô thị, chung tay cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng khôi phục sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chinh tại Thông báo số: 272/TB- VPCP, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã chứng kiến, ghi nhận không ít những khó khăn và thiệt hại mà doanh nghiệp đang gặp phải trước - trong - sau đại dịch Covd-19.

Nhiều doanh nghiệp đang là đơn vị đỉnh cao trong sản xuất, kinh doanh, bỗng chốc rơi vào cảnh nợ nần, hàng hóa ngưng trệ không thể xuất nhập... dẫn đến phá sản, trắng tay.

Có lắng nghe mới thấu hiểu được nỗi khổ của doanh nghiệp. Đa số họ đều mong muốn được các cấp chính quyền chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, để hướng dẫn, gỡ khó và tạo điều kiện để đơn vị có cơ hội tồn tại và phát triển.

Cụ thể, trong số đó là lời kêu cứu khẩn thiết của ông Đoàn Văn Lâm, ở thôn Bảo Lộc 3, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ khiến PV không khỏi xót xa.

Ông Lâm hiện đang chạy vạy, xin các cấp chính quyền huyện Phúc Thọ tạm dừng cưỡng chế, tháo dỡ xưởng sản xuất thành phẩm gỗ ép rộng 4.800 m2 của gia đình ông, tạo điều kiện để đơn vị được sản xuất đến hết tết nguyên đán năm 2022.

tm-img-alt
Ông Đoàn Văn Lâm mong muốn các cấp chính quyền huyện Phúc Thọ tạo điều kiện để đơn vị được sản xuất đến hết tết nguyên đán năm 2022.

Gương mặt nặng trĩu tâm tư, ông Đoàn Văn Lâm kể về hành trình phát triển kinh tế gia đình tại chính mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra. Đó là trước năm 1990, khu nhà xưởng của ông lúc đó là hố lò gạch của xí nghiệp 5 triệu viên năm.

Sau năm 1990 là khu vực sản xuất gạch nung của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã bàn giao trả lại cho huyện Phúc Thọ. Đến năm 2000, gia đình ông là một trong những hộ được giao thầu, đấu thầu, nhận khoán với xã Võng Xuyên để cải tạo sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, được tận dụng những vỏ lò gạch cũ để sản xuất gạch đất nung từ nguồn đất dư thừa, vận chuyển từ nơi khác đến.

tm-img-alt
Hợp đồng giao khoán sử dụng đất được ông Đoàn Văn Lâm ký với UBND xã Võng Xuyên năm 2001.

Năm 2011, thực hiện Văn bản số 10007/UBND -XD ngày 19/12/2010 của UBND thành phố Hà Nội về việc "Thí điểm công nghệ xử lý khói lò gạch nung". Để Đơn vị được phát triển bền vững, ông là một trong những số ít đơn vị đi đầu trong việc thực hiện "Đề án sản xuất gạch đất nung có hệ thống xử lý khói thải không gây ô nhiễm môi trường".

tm-img-alt

Năm 2012, thực hiện quyết định của UBND TP. Hà Nội về việc xoá bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, gia đình ông đã chấp hành tháo dỡ. Tiếp đến năm 2013-2014, được UBND huyện Phúc Thọ tạo điều kiện cấp giấy xây dựng lò gạch úp vung, không gây ô nhiễm môi trường. Năm 2018, TP. Hà Nội tiếp tục có quyết định xóa bỏ lò gạch đất nung hóa thạch, và lần thứ 3, ông Lâm chấp hành tháo dỡ.

“3 lần xây xong lại phá đã đưa gia đình tôi phải gánh số vốn vay lên tới hàng chục tỷ đồng mà chưa thu hồi được. Quá lo sợ với các khoản đầu tư lớn mà chưa thu hồi được sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, nên sau đó gia đình chúng tôi đã xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ để sản xuất gỗ ép thành phẩm để duy trì kinh tế gia đình và trả nợ.

Nhà xưởng hoạtđộng đãtạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhưng nào có may, xưởng mới đi vào hoạt động thì đại dịch Covid-19 lại ảnh hưởng nghiêm trọng từ đầu năm 2020 đến nay. Bây giờ, nợ trước, nợ sau, rồi còn các hợp đồng của khách hàng, tiền của cổ đông góp vốn chưa hoàn thành đã làm chúng tôi kiệt quệ, bên bờ vực phá sản. Nếu phải thực hiện cưỡng chế tháo dỡ nhà xưởng trong thời điểm hiện tại, như quyết định của UBND huyện Phúc Thọ thì thật sự tôi không biết phải đi về đâu...” – Ông Đoàn Văn Lâm nghẹn ngào chia sẻ.

Mong được “cứu sống”

Từ những khó khăn đến cùng quẫn, gia đình ông Đoàn Văn Lâm mong muốn UBND huyện Phúc Thọ; UBND xã Võng Xuyên và các Cấp, Ban, Ngành có liên quan thấu hiểu, tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian để doanh nghiệp được “cứu sống” trong giai đoạn khó khăn.

tm-img-alt
Ông Đoàn Văn Lâm mong muốn được đạo điều kiện để sản xuất hết số nguyên liệu đã nhập.

Ông Lâm cho biết: “Tôi mong muốn các cấp chính quyền huyện Phúc Thọ xem xét, tạm hoãn thi hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà xưởng, và cho phép gia đình tôi thêm một thời gian nữa (sau tết nguyên đán năm 2022) để có thời gian sản xuất nốt số nguyên liệu đã nhập còn tồn trong kho. Giúp những công nhân đang làm việc tại xưởng có một mức thu nhập khi cái tết đã cận kề. Tôi xin hứa khi sản xuất hết vật liệu đã nhập sẽ tháo dỡ ngay.

Đồng thời, cho phép gia đình tôi được chuyển mục đích khu đất nhận khoán, thành đất thuê của UBND huyện để tôi và gia đình lại tiếp tục được làm kinh tế trên mảnh đất quê hương – nơi mình sinh ra, góp chút sức lực để làm giàu cho quê hương”.

Những mong muốn, đề xuất của ông Đoàn Văn Lâm là có cơ sở, khi theo ghi nhận của PV, khu xưởng sản xuất 4.800 m2 này đang đầy ắp các nguyên vật liệu sản xuất, có nhiều công nhân đang làm việc để hoàn thành đơn hàng. Các hạng mục của khu nhà xưởng thì được bố trí ngăn nắp, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường trong lao động sản xuất.

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền của huyện, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội cũng nên lắng nghe, đồng hành, tạo điều kiện, hỗ trợ và hướng dẫn để những doanh nghiệp như của ông Đoàn Văn Lâm có cơ hội “sống lại”, góp phần phát triển kinh tế địa phương, ổn định chính trị đất nước, chung tay cùng Chính phủ vượt mọi khó khăn chiến thắng đại dịch Covid- 19 như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo.

Thông báo 272/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng nhận định: Trong gần 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội, sức khỏe, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả, kịp thời về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh với biến chủng Delta diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức; thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với đất nước.

Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt. Thời gian qua, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện… Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, phấn đấu đưa cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ 2 chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới; trước mắt, triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững niềm tin, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ; tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.

Cùng chuyên mục

Cát Tường Group: Nợ thuế tăng mạnh, hàng tồn kho phình to
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả Cát Tường Group đạt 1.933 tỉ đồng, tăng thêm 679% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý khi Cát tường Group đã phát sinh khoảng 1.436 tỉ đồng nợ vay tài chính, trong khi hồi đầu năm không ghi nhận.

Tin mới

Quy định về xác minh giấy phép lái xe từ ngày 01/6/2024
Việc xác minh giấy phép lái xe phải thực hiện ngay qua điện thoại hoặc thư điện tử hoặc fax và sau đó gửi bằng văn bản. Khi chưa có kết quả xác minh giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì Sở Giao thông vận tải không đổi, không cấp lại hoặc không đưa vào danh sách thí sinh được phép dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe.
Đề xuất quy định mới về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.