Phú Thọ: Người dân tố chính quyền xã buông lỏng quản lý đất đai?
Chính quyền xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đang bị người dân “tố” có dấu hiệu buông lỏng quản lý tài nguyên, đất đai, môi trường…
Được biết, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ là vùng quê gắn liền với các địa điểm di tích lịch sử chiến khu Vạn Thắng, với những rừng cọ đồi chè bạt ngàn đã tạo nên một môi trường sống trong lành, đáng mơ ước. Nhưng mới đây, phản ánh đến Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam, người dân ở khu Si Hen, xã Đồng Lương cho biết, vẻ yên bình của miền quê này đang bị xâm hại bởi những đoàn xe tải trọng lớn nối đuôi nhau chở đất, đá chạy ầm ĩ suốt cả ngày khiến môi trường bị ô nhiễm, cuộc sống của người dân bị xáo trộn.
Để làm rõ sự việc, PV đã có mặt tại khu vực người dân phản ánh. Theo ghi nhận thực tế tại khu Si Hen, xã Đồng Lương có nhiều quả đồi đất, đá màu đen trông giống than đã và đang bị khai thác nham nhở. Dưới chân một quả đồi có hoàng loạt phương tiện là máy xúc, xe tải hoạt động liên tục đã tạo ra âm thanh chát chúa phá vỡ sự yên bình cả một vùng quê.
Theo quan sát, sau khi được chất đầy vật liệu giống than lên thùng xe, các ô tô tải cỡ lớn vận chuyển đi tiêu thụ nhưng không hề được che chắn nên đi đến đâu vật liệu này rơi vãi khắp mặt đường, gây ô nhiễm và mất an toàn giao thông đối với người dân. Riêng con đường trong xóm hàng ngày bị đoàn xe tải này “tra tấn” cũng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Khu vực khai thác vật liệu giống than ở khu Si Hen và điểm tập kết tại khu Đồn Ngựa, xã Đồng Lương |
Toàn bộ số vật liệu khai thác trên được chở đến tập kết tại một khu đất trống nằm ngay mặt đường chính ở khu vực Đồn Ngựa, xã Đồng Lương.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về sự việc trên, ông Nguyễn Văn N, là người sống gần khu vực cho biết: “Nhà tôi ở ngã ba chợ, nằm giáp ranh giữa khu Si Hen và khu Đồn Ngựa. Đây là khu chợ đông đúc, người dân sống ven đường chủ yếu mở cửa kinh doanh nên hàng ngày phải “đối mặt” với đoàn xe tải chạy rầm rầm, đặc biệt là mỗi khi những xe này tránh nhau ở giữa con đường nhỏ nên càng nguy hiểm. Người già, trẻ nhỏ không giám ra ngoài vì bụi bẩn và mất an toàn giao thông”.
Trong một diễn biến khác, cũng liên quan đến hoạt động khái thác tài nguyên đất, chỉ cách khu vực Si Hen khoảng chừng hơn 3 km là một cánh đồng rộng thênh thang của người dân. Tại khu vực này xuất hiện 2 điểm khai thác đất. Theo ghi nhận ở điểm thứ nhất có đến 3-4 chiếc xe tải xếp hàng chờ máy xúc cho “ăn đất” sau đó chở thẳng đến lò gạch nằm ngay sát bên để tiêu thụ.
Tuyến đường làng bị xuống cấp nghiêm trọng do đoàn xe tải cho đất, đá ở khu Si Hen, xã Đồng Lương đi tiêu thụ. |
Điểm khai thác thứ 2, toàn bộ số đất được khai thác, vận chuyển đến san lấp tại một khu đất trống cách đó chừng 4km cũng nằm trên địa bàn xã Đồng Lương.
Việc khai thác đất, vật liệu giống than nêu trên có được cấp phép khai thác theo quy định pháp luật hay không là vấn đề mà người dân địa phương cũng như dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Ngay sau khi thu thập thông tin, PV đã mang những băn khoăn trên đến UBND xã Đồng Lương để tìm câu trả lời. Sau khi tiếp nhận thông tin từ PV, ông Bùi Cao Thăng – Cán bộ công chức địa chính xã cho hay: Thời gian gần đây có một số hộ dân bị sạt lở đất sau nhà nên họ xin cải tạo lại mặt bằng, còn việc khai thác đất ở khu ngoài cánh đồng cũng chỉ là người dân… cải tạo mặt bằng thửa ruộng?
Chiếc ô tô chở đầy đất nhưng không được che đậy, cứ nghênh ngang chạy từ cánh đồng đến san lấp tại một khu vườn trên địa bàn xã Đồng Lương nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết. |
Lý giải về việc máy xúc, ô tô tập kết ở khu ruộng trên để khai thác đất đi nơi khác tiêu thụ. Ông Thăng nói: do ruộng bị bồi đắp nên người dân tổ chức san gạt tạo mặt bằng chứ không chở đi tiêu thụ. Tuy nhiên, khi PV cung cấp toàn bộ hình ảnh chứng minh việc người dân vận chuyển đất từ cánh đồng này đi tiêu thụ tại nơi khác, lúc này ông Thăng nói sẽ cho kiểm tra lại ?!
Nếu đúng việc người dân chỉ thực hiện việc san gặt mặt bằng tại các thửa ruộng trên (như lời ông Thăng nói) thì có nhất thiết phải “Giết gà dùng dao mổ bò” hay không. Và xin nhắc để ông Thăng được biết, để người dân thuê một ca máy xúc chỉ để “san mặt bằng” ruộng, thì tuỳ vào loại máy xúc họ sẽ phải bỏ ra ít nhất từ 3-5 triệu đồng, trong khi họ hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp thủ công như dùng quốc, xẻng và xe rùa để thực hiện việc này mà không hề tốn kém.
Ngoài ra, ông Thăng khẳng định việc khai thác, vận chuyển đất tại khu vực cánh đồng vào tiêu thụ tại nhà máy gạch trên đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Thế nhưng khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ cấp phép thì vị này từ chối và hứa sẽ cung cấp vào buổi khác?
Để rộng đường dư luận, PV tiếp tục liên hệ với ông Vi Tiến Cường – Chủ tịch UBND xã Đồng Lương. Mặc dù PV điện thoại nhiều lần và nhắn tin trao đổi nội dung sự việc vào số điện thoại của vị chủ tịch này nhưng không nhận được phản hồi.
Để đảm bảo an toàn đời sống người dân, đồng thời giám sát chặt chẽ công tác quản lý nhà nước đối với nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã Đồng Lương, thiết nghĩ lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ, chính quyền huyện Cẩm Khê cần chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh nêu trên của người dân.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc.