Phát hiện virus corona mới lây nhiễm sang người
Loại virus corona mới có thể bắt nguồn từ loài chó và lây nhiễm sang người, ghi nhận ở Malaysia vầ Haiti.
Đầu năm 2017, một nhóm nhân viên y tế, bao gồm bác sĩ, y tá và tình nguyện viên đã trở về nhà ở Florida (Mỹ) sau khi làm tình nguyện viên tại một phòng khám ở Haiti. Ngay sau khi trở về, 20 thành viên của nhóm bắt đầu cảm thấy hơi khó chịu với thời tiết.
Nhà virus học John Lednicky tại Đại học Florida cho biết: “Họ bị sốt nhẹ chứ không bệnh nặng".
Vào thời điểm đó, virus Zika đang lưu hành ở Haiti, và các quan chức y tế lo ngại nhóm nhân viên y tế có thể đã bị nhiễm bệnh và mang mầm bệnh về Florida. Vì vậy, họ đã lấy mẫu nước tiểu của từng du khách và yêu cầu ông Lednicky xét nghiệm xem các mẫu có nhiễm virus Zika hay không.
Ông Lednicky đã tiến hành xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Kết quả, tất cả họ đều âm tính với virus Zika. Tuy nhiên, ông Lednicky nghi ngờ trong các mẫu nước tiểu chứa một loại virus khác nên lấy mẫu nước tiểu của 6 người trong nhóm để cho vào tế bào khỉ, mục đích là phát hiện chúng có sao chép và phát triển đến mức có thể phát hiện ra hay không.
“Đây là những gì chúng tôi làm trong phòng thí nghiệm. Chúng tôi quăng một mẻ lưới rộng lớn. Chúng tôi cố gắng cô lập virus. Và đôi khi, bất ngờ xảy ra", ông Lednicky nói.
Quả thực, điều bất ngờ đã xảy ra.
Họ đã tìm thấy một loại virus corona mà nhiều nhà khoa học tin rằng có thể là một mầm bệnh mới ở người - có khả năng là loại virus corona thứ tám được biết là gây bệnh cho người. Hóa ra, loại virus corona này có ở những du khách tại Haiti.
Virus corona mới có khả năng bắt nguồn từ loài chó, dường như gây bệnh viêm phổi ở trẻ em. Vào tháng 5, các nhà khoa học tại Đại học Duke cho biết họ đã phát hiện thấy một loại virus corona gần giống hệt virus ở trẻ em tại một bệnh viện ở Malaysia. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy virus này ở đường hô hấp trên của 3% trong số 301 bệnh nhân mà họ lấy mẫu xét nghiệm vào năm 2017 và 2018.
Trình tự di truyền của virus đến từ Malaysia cho thấy nó có thể bắt nguồn từ chó và sau đó truyền sang người. "Phần lớn bộ gen là virus corona bắt nguồn từ loài chó", nhà virus học Anastasia Vlasova nói với NPR vào tháng 5.
Mặc dù những phát hiện này nghe có vẻ đáng báo động, nhưng các nhà nghiên cứu không có bằng chứng nào cho thấy virus này có thể lây lan giữa người với người hoặc nó phổ biến trên toàn thế giới.
Nhà virus học Vincent Racaniello viết trên Blog Virology: "Những ca nhiễm ... virus corona ở người này dường như là những sự cố đơn lẻ không dẫn đến sự lây truyền trên diện rộng cho con người".
Giờ đây, ông Lednicky và các đồng nghiệp cũng phát hiện trình tựen của virus ở Haiti giống virus ở Malaysia tới 99,4%. Lednicky và các đồng nghiệp của ông đã báo cáo thông tin này trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao "virus chó" tại Malaysia có thể gây bệnh cho nhóm nhân viên y tế ở Haiti. Virus có thể phát tán nhưng cách thức mà nó phát tán vẫn còn là một bí ẩn.
Ông Lednicky nói: “Virus có thể lưu hành rộng rãi, nhưng không ai chú ý đến nó". Nhà virus học nghi ngờ nó ở khắp nơi trên thế giới. "Và nếu bạn thường xuyên ở gần loài chó, bạn có thể đã bị nhiễm virus này - hoặc phát triển khả năng miễn dịch với nó khi tiếp xúc với virus tương tự".
Một số nhà khoa học cho rằng các bác sĩ và các nhà nghiên cứu nên tích cực tìm kiếm virus này ở các bệnh nhân. "Tôi nghĩ đó là điều quan trọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, loại virus này có liên kết với một số trường hợp viêm phổi ở trẻ em. Thứ hai, chúng ta không biết nó có thể truyền từ người sang người hay không", nhà virus học Linda Saif tại Trường ĐH bang Ohio (Mỹ), nói.
Bà Saif nói thêm trên thực tế, các nhà khoa học phát hiện ra virus gần như giống hệt nhau ở cả Haiti lẫn Malaysia, đồng thời xác định nó không lây lan giữa người với người.
"Hai loại virus này rất rất giống nhau đã được phát hiện trong một khung thời gian tương tự nhưng ở các khu vực tách biệt rộng rãi trên thế giới", bà Saif nói. "Điều đó có thể xảy ra nếu một loại virus gần giống nhau đang lưu hành trên loài chó ở cả Haiti và Malaysia và sau đó lây sang người ở cả hai quốc gia trong cùng một năm. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra".
Giả thuyết thứ hai là virus đang lưu hành ở người, ở mức độ thấp, tại nhiều nơi trên thế giới. Bà Saif nói: “Giả thuyết đó có nhiều khả năng hơn".
Nếu giả thuyết này trở thành sự thật, "virus chó" sẽ là virus corona thứ tám được biết là lây lan giữa người với người.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Jonna Mazet, Trường ĐH California (Mỹ), bình luận việc phát hiện ra "virus chó" thực sự là tin tốt vì các nhà khoa học có thời gian để nghiên cứu, tạo công cụ chẩn đoán và hiểu rõ những gì nó có thể gây ra để ngăn chặn kịp thời.
“Gần như chắc chắn, SARS-CoV-2 đã lưu hành trong một thời gian khá dài và khiến mọi người có thể bị ốm dạng nhẹ hoặc không đủ mạnh để thu hút chú ý. Nếu các nhà khoa học phát hiện ra nó ở giai đoạn này, có lẽ thế giới sẽ có thời gian để phát triển một thử nghiệm cho nó, một số phương pháp điều trị đầy hứa hẹn và thậm chí là một loại vaccine cơ bản. Có lẽ đại dịch sẽ diễn ra theo một hướng khác - có lẽ ít chết chóc hơn", bà Mazet.