Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 10/06/2021 15:48 (GMT+7)

Phản đối học phí, phụ huynh ngỡ ngàng khi con bị cho thôi học

Theo dõi GĐ&PL trên

Sau nhiều ngày chờ đợi, tin tưởng nhà trường sẽ cân nhắc mức tăng học phí, nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi những gì nhận được là "giấy báo cho thôi học" của Trường Quốc tế Á Châu.

Chiều ngày 9/6, một số phụ huynh có con em là học sinh của Trường Quốc tế Á Châu ngỡ ngàng khi nhận được bức thư của nhà trường được gửi qua đường bưu điện thông báo về việc "không thể nhận tiền học phí năm học 2021-2022" của con họ hay nói cách khác là con họ đã bị cho nghỉ học.

Theo nội dung bức thư, "Nhà trường luôn quan tâm lắng nghe và trân trọng ý kiến của phụ huynh học sinh và đã tiếp tục đón các nhóm đại diện phụ huynh vào ngày 12-5 và 20-5 giải trình về việc học phí năm học 2021-2022, mong phụ huynh chia sẻ và vì mục tiêu xây dựng phát triển bền vững chất lượng của trường. Tuy nhiên quý ông bà vẫn tiếp tục khiếu nại khắp nơi.

Để đảm bảo quyền được phát triển tốt nhất và việc học tập của các em, chúng tôi buộc lòng phải thông báo đến quý ông bà về việc sẽ không thể nhận tiền học phí năm học 2021-2022 để tiếp tục nhận các em… học tập tại trường vào năm học 2021-2022".

Cuối thư, trường cho biết sẽ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ học thuật để phụ huynh có thể đến nhận từ ngày 11-6 trong giờ làm việc của nhà trường.

Thông báo này do bà Lê Hồng Tố Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Á Châu ký tên.

Một phần lá thư trường gửi một số phụ huynh chiều 9-6 (Ảnh: Tuổi trẻ)

Bà T. là phụ huynh của hai học sinh đang học tại Trường Quốc tế Á Châu cơ sở Văn Thánh (Bình Thạnh, TP.HCM) khi nhận được thư cho biết rất thất vọng về cách hành xử của nhà trường. Vừa qua, bà là 1 trong hơn 1.000 phụ huynh đặt bút ký tên vào đơn khiếu nại mức tăng học phí của trường trong năm học 2021-2022. Tuy nhiên dù có lên tiếng bất đồng về chính sách học phí, bà cho biết dự định đến trước tháng 8 sẽ đóng học phí cho hai bé nguyên năm như mọi năm trước đây.

Tương tự, chị N.V cũng nhận được thông báo như trên từ nhà trường. Chị cho biết, sau khi phụ huynh phản đối việc tăng học phí, nếu nhà trường không đồng ý thì nên thông báo cho phụ huynh biết. Phụ huynh sẽ có phương án tiếp tục cho con học tại trường hoặc rút hồ sơ. "Đằng này, nhà trường hoàn toàn im lặng rồi chọn giải pháp "không nhận học phí" năm học tới, điều này khiến chúng tôi vô cùng thất vọng" - chị N.V nói.

Một số phụ huynh cho biết sẽ trực tiếp lên trường để làm rõ sự việc. Họ cho rằng việc phụ huynh đề nghị trường xem xét lại việc tăng học phí không có gì sai, các học sinh cũng không làm gì sai, nhà trường không thể lấy lý do vì phụ huynh khiếu nại khắp nơi mà từ chối cho học sinh tiếp tục học tại trường.

ông Cao Quảng Tư, giám đốc tuyển sinh của Trường Quốc tế Á Châu, khẳng định lại quan điểm dù nỗ lực hết sức, trường không phải lúc nào cũng có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu của từng phụ huynh.

"Chúng tôi rất lấy làm tiếc đến nay vẫn chưa được sự đồng thuận và hợp tác của quý ông bà về việc điều chỉnh học phí năm học 2021-2022, mặc dù chúng tôi đã lắng nghe và giải trình", ông Tư nói.

Ông cho biết thêm trong các trường quốc tế, Trường Quốc tế Á Châu có mức học phí rất thấp. Hằng năm nhà trường đều đầu tư rất nhiều để duy trì tiêu chuẩn trường quốc tế theo tiêu chí kiểm định của các tổ chức giáo dục uy tín thế giới. Thay vì phải điều chỉnh học phí một lần mới đảm bảo được những tiêu chuẩn trên, trường đã cố gắng thực hiện việc điều chỉnh dần qua từng năm.

Trước đó, Trường Quốc tế Á Châu ra quyết định điều chỉnh học phí năm học 2021-2022 tăng từ 11-15% các lớp từ cấp 1 đến cấp 3. Nhưng phụ huynh không đồng ý và kiến nghị nhà trường giảm bớt mức tăng. Phụ huynh đã thu thập hơn 1.170 chữ ký vào đơn kiến nghị gửi nhà trường, đồng thời, đại diện phụ huynh đã 2 lần gặp đối thoại trực tiếp với ban Quản trị trường Quốc tế Á Châu.

Bảng học phí năm học 2021-2022 được phụ huynh so sánh với các năm. (Ảnh: Dân Việt)

Trong hai lần đối thoại này, phụ huynh nêu rõ quan điểm về việc chấp nhận tăng học phí, nhưng phải phù hợp với điều kiện hiện tại. Đồng thời, họ không chấp nhận mức tăng đến 15%, vì điều này là trái ngược với quy định nhà trường cam kết ban đầu. Ngoài ra, việc thực hiện tăng học phí (nếu có) cũng cần được công khai, minh bạch về lý do tăng nhằm phục vục mục đích gì (đầu tư cơ sở vật chất, tăng lương cho giáo viên, tổ chức các hoạt động ngoại khóa,...). Phụ huynh đề nghị nhà trường điều chỉnh mức tăng cho phù hợp với điều kiện hiện tại, khi mà cả nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid.

Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại, Ban Quản trị nhà trường khẳng định, việc tăng học phí đã có lộ trình từ trước cho những khoản đầu tư của nhà trường, do đó, không thể vì dịch Covid mà trì hoãn hay thay đổi. Ngoài ra, tiêu chí để tăng học phí được nhà trường lý giải là để đầu tư cơ sở vật chất, duy các trì tiêu chí chuẩn quốc tế...

Cùng chuyên mục

Hạnh phúc của nghề giáo
Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các giáo viên trẻ đã có những chia sẻ về niềm tự hào và hạnh phúc khi được gắn bó với nghề cao quý này.

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.