Nóng: Thu hồi sổ hộ khẩu giấy từ 01/7 với trường hợp làm thủ tục thay đổi cư trú mới
Bộ Công an đã có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú kể từ ngày 01/7.
Từ ngày 01/7, khi người dân đăng ký thay đổi thông tin trong hộ khẩu, công an sẽ cập nhật vào trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thu hồi sổ giấy.
Cụ thể, việc này được thực hiện theo Điều 38 của Luật cư trú 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7.
Theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Còn tại Thông tư 55/2021/TT-BCA có hiệu lực từ 1/7 - Bộ Công an đã có hướng dẫn 7 trường hợp sau đây mà dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp trước đó thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú gồm:
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú.
Thực hiện điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Thực hiện tách hộ.
Thực hiện xóa đăng ký thường trú.
Thực hiện đăng ký tạm trú.
Thực hiện gia hạn tạm trú.
Thực hiện xóa đăng ký tạm trú.
Trước đó, trả lời trên Vnexpress, Thiếu tướng Tô Văn Huệ, khi đó là Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) nhấn mạnh, theo Luật Cư trú (sửa đổi), Việt Nam sẽ tiến tới bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu giấy vào năm 2022.
Tuy nhiên, từ 1/7 tới đây, thông qua dự án cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, người dân đã có thể không cần phải cầm quyển sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch, vì tất cả thông tin cư trú được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo ông Huệ, mỗi công dân có một mã số định danh, một tệp hồ sơ riêng, cảnh sát chỉ cần tra họ tên trên máy tính để xem xét, hoàn thiện hồ sơ.
Thậm chí người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến. Ví dụ, bạn đang ở phường này đến thường trú ở phường khác, cán bộ chỉ cần cập nhật trên hệ thống và giải quyết hồ sơ, thủ tục trên môi trường mạng.
Tuy nhiên, ông Huệ cũng chỉ rõ cần hiểu rằng bỏ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ quản lý cư trú, mà chỉ chuyển thừ hình thức thủ công, bằng giấy sang điện tử.