Những lợi ích sức khỏe không ngờ của quả cau
Quả cau được biết đến trong các đám cưới hỏi và trong tục ăn trầu của các cụ từ xưa. Không những vậy, loại quả này còn có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe.
Từ xa xưa, người dân dùng cau để ăn trầu, chữa bệnh răng miệng. Ngoài ra, các bộ phận từ quả cau như vỏ, hạt, cùi đều dùng làm thuốc hỗ trợ cho sức khỏe.
Y học hiện đại phân tích trong quả cau có các thành phần như alkaloid, saponin, sitosterol, dầu béo và khoáng chất.
Trong Đông y, vỏ, cùi và rễ cau vị đắng chát, tính ôn và có tác dụng vào kinh vị, đại trường. Hạt cau có vị cay đắng, chát, tính ấm trị giun sán, sát trùng, tiêu tích.
Người dân có thể thu hái cau phơi khô, tách hạt bỏ lọ dùng dần hoặc sử dụng cau tươi.
Lợi ích sức khỏe của quả cau
Ngăn ngừa thiếu máu
Một tác dụng ít ai biết đến của quả cau chính là ngăn ngừa thiếu máu. Vài năm trở lại đây, loại quả này được sử dụng như một loại thuốc giúp hỗ trợ tăng cường lưu thông máu huyết và chữa thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ mang thai.
Chữa đau răng, hôi miệng
Chiết xuất trong hạt cau có tác dụng gây ức chế các vi khuẩn có hại ở khoang miệng và giúp làm sạch các mảng bám trên răng. Từ đó, hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị các bệnh như đau răng, hôi miệng, viêm lợi… một cách hiệu quả và duy trì một hàm răng đẹp, chắc khỏe.
Điều trị các loại giun sán
Hạt cau đã được chứng minh là có công dụng tuyệt vời trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng trong đường ruột, điều trị và loại bỏ các loại giun sán như giun đũa, sán dây…
Cải thiện hệ thống tiêu hóa
Ngoài tác dụng chữa bệnh giun đường ruột, hạt cau còn có khả năng chữa các bệnh về rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, tiêu chảy, kiết lỵ và đau dạ dày.
Ngăn ngừa cảm giác buồn nôn
Hạt cau có tác dụng tuyệt vời trong việc ngăn ngừa cảm giác buồn nôn. Hãy nhai hạt cau ngay trước những chuyến đi để tránh cảm giác nôn mửa khi ngồi tàu xe.
Có thể kiểm soát bệnh tiểu đường
Arecoline là một trong những hoạt chất có trong hạt cau, có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, hạt của loại quả này còn có khả năng làm tăng tiết nước bọt, giúp khắc phục chứng khô miệng ở những người bị bệnh tiểu đường.
Bài thuốc dân gian từ quả cau
Hạt cau: Để trị giun sán, bạn lấy hạt cau sắc lấy nước uống vào buổi sáng. Người lớn dùng 80g, trẻ nhỏ khoảng 30-40g.
Hạt cau còn dùng để trị các chứng xơ gan, báng bụng. Dùng hạt khô sắc với trần bì (vỏ quýt khô) theo tỷ lệ 2:1, sao vàng, tán bột mịn và uống lúc đói bụng cùng với mật ong chữa chứng ợ chua; đốt thành than nghiền bột mịn chấm vào chỗ nhiệt miệng. Người bị sốt rét có thể dùng 8g hạt cau kết hợp với thường sơn 4g, thảo quả 8g sắc nước uống sau ăn, 2 lần/ngày.
Vỏ và cùi cau dùng chữa chứng khó tiêu hóa, khó đi tiêu tiểu, hỗ trợ hạ huyết áp, phù thũng. Vỏ cau sắc lấy nước chấm lên mụn để giảm viêm, tiêu mụn.
Bài thuốc sử dụng phổ biến nhất là lấy cau ngâm rượu trị các bệnh răng miệng, viêm nướu. Dùng 20-25 quả cau bỏ vỏ, bổ tư và ngâm vào trong bình rượu trắng 1 lít. Khi rượu cau chuyển màu vàng cánh gián là dùng được. Lưu ý, rượu cau rất cay nên pha loãng ngậm trong miệng khoảng 10-15 phút rồi nhổ bỏ, không ăn thêm cho tới khi đi ngủ, có tác dụng ức chế vi khuẩn, làm sạch răng, thơm miệng.
Lưu ý: Tuyệt đối không uống rượu cau bởi có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí là tính mạng bản thân.
Cau nhiều tác dụng nhưng không dùng cho những người suy nhược cơ thể, mệt mỏi.
Rễ cau cũng có tác dụng cho sức khỏe nhưng khác với rễ cây sâm cau (loại sâm có lá giống lá cau) trồng nhiều ở miền núi có tác dụng tỏa dương, tốt cho nam giới. Rễ cau ta có tác dụng kháng nấm, kháng vi khuẩn và diệt giun sán, tăng nhu động ruột, giúp điều trị chứng khó tiêu, đầy bụng hay táo bón.