Những điểm mới nổi bật trong tuyển sinh đại học năm 2023
Rút ngắn thời gian xét tuyển đại học, quy định mới về cách tính và áp dụng điểm ưu tiên là hai điểm mới nổi bật trong tuyển sinh đại học năm 2023.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhằm tạo điều kiện cho thí sinh và các cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT xem xét ban hành kế hoạch tuyển sinh đẩy nhanh các thời hạn, rút ngắn thời gian xét tuyển đợt 1 so với trước để có thể bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 9/2023. Nếu còn thời gian cho các đợt xét tuyển bổ sung, các trường sẽ hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh trong năm.
Vì vậy, nếu thí sinh không trúng tuyển đợt 1 thì có thể chờ và cập nhật thông tin xét tuyển ở các đợt tiếp theo trong năm của các cơ sở đào tạo. Sau khi xét tuyển đợt 1 mà vẫn còn chỉ tiêu tuyển sinh, các trường sẽ thông báo và tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển.
Điểm mới nổi bật thứ hai chính là quy định về cách tính và áp dụng điểm ưu tiên được đưa vào quy chế tuyển sinh ban hành năm 2022, nhưng có hiệu lực từ năm 2023.
Theo đó, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Như vậy, từ năm 2023 trở đi, điểm ưu tiên đối với thí sinh sẽ giảm dần khi thí sinh đạt tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT ở mức 22,5 điểm trở lên.
Theo đó, nếu thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm ba môn tối đa là 30), mức điểm ưu tiên mà thí sinh được hưởng được tính theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên theo quy định của quy chế.
Với cách tính này, một học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng nếu thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.