Nhập viện vì đau bụng, bé trai 15 tuổi được chẩn đoán mắc căn bệnh không ngờ tới
Cách thời điểm vào viện 4 ngày, bệnh nhi xuất hiện đau bụng vùng quanh rốn, hố chậu trái, thành cơn, tăng dần, kèm bí trung đại tiện, bụng chướng dần, nôn buồn nôn ít, không sốt.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch mai, bé trai N.X.N (15 tuổi) được đưa đến bệnh viện thăm khám do bị đau bụng. Trước đó, bệnh nhi hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh.
Cách thời điểm vào viện 4 ngày, bệnh nhi xuất hiện đau bụng vùng quanh rốn, hố chậu trái, thành cơn, tăng dần, kèm bí trung đại tiện, bụng chướng dần, nôn buồn nôn ít, không sốt.
Khi nhập viện, bệnh nhi tỉnh, đau bụng cơn, bụng chướng hơi, bí trung đại tiện, nôn, không có phản ứng thành bụng, cảm ứng phúc mạc. Các bác sĩ kiểm tra trực tràng nhưng không thấy u bất thường.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy các quai ruột non và khung đại tràng giãn lớn, đường kính lớn nhất 57mm, trong có mức dịch khí, vị trí chuyển tiếp là đoạn đại tràng trái. Tại vị trí này, thành đại tràng dày nhẹ.
Bệnh nhi được chẩn đoán tắc ruột/ theo dõi ung thư đại tràng trái và chỉ định mổ cấp cứu làm hậu môn nhân tạo đại tràng trái. Khi nội soi đại trực tràng, các bác sĩ phát hiện ngay dưới hậu môn nhân tạo có khối sùi loét chiếm gần hết chu vi, phần đại trực tràng còn lại không thấy tổn thương.
Sau 10 ngày, bệnh nhi được phẫu thuật nội soi cắt đại tràng trái và vét hạch. Giải phẫu bệnh sau mổ là ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa xâm lấn tới thanh mạc, không xâm lấn mạch máu thần kinh, 42/42 hạch không có u. Chẩn đoán xác định ung thư đại tràng trái pT3N0M0.
Các bác sĩ tiếp tục đánh giá tình trạng gen sửa chữa bắt cặp sai ADN (Mismatch repair - MMR) và xét điều trị hóa chất bổ trợ cho bệnh nhi. Được biết, đây là ca ung thư đại tràng ở độ tuổi rất trẻ được chẩn đoán và điều trị ở Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.
Theo các bác sĩ, ung thư đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ tuổi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hơn, đồng thời có tiên lượng xấu hơn so với nhóm người bệnh lớn tuổi.
Theo các khuyến cáo trên thế giới, mốc bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng thường là 45 tuổi. Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Do đó, với những người nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người mắc UTĐTT, mắc các hội chứng di truyền liên quan đến UTĐTT như hội chứng Lynch, hội chứng đa polyp tuyến gia đình,… hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ như đi ngoài phân nhầy máu, thay đổi thói quen đại tiện, đau bụng kéo dài, những người bệnh này nên đi khám sàng lọc bệnh sớm.