Người lao động thiếu việc, doanh nghiệp thiếu nhân viên: Nghịch lý hậu Covid-19
65,2% doanh nghiệp ngành Du lịch- Nhà hàng- Khách sạn sẵn sàng quay trở lại “đường đua”, bước vào cuộc “đại tuyển dụng” hậu Covid-19. Tuy nhiên, một nghịch lý đã diễn ra, “nhà tuyển dụng khó kiếm nhân viên, trong khi đó người lao động vẫn thiếu việc làm”.
Doanh nghiệp ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn lao đao vì đại dịch Covid-19
Làn sóng Covid-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn rơi vào trạng thái "đóng băng" hoạt động và trở nên lao đao với những tổn thất nặng nề.
Theo khảo sát từ JobsGO kết hợp với Mytour, 49,5% doanh nghiệp ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn phải thu nhỏ quy mô, hoạt động một cách cầm chừng; 33,2% doanh nghiệp đóng cửa tạm thời & sẵn sàng mở lại khi có thể; 11,4% doanh nghiệp đóng cửa hoàn toàn. Các doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng nhiều chỉ chiếm 5,4%, chủ yếu tập trung vào các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành với quy mô lớn.
Sự trở lại "đường đua" của các doanh nghiệp ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn hậu Covid-19
Trải qua 2 năm đầy khó khăn, bước sang năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát phần nào. Theo đó, các doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn đều sẵn sàng quay lại "đường đua".
Báo cáo khảo sát của JobsGO cho thấy, 65,2% doanh nghiệp trong lĩnh vực Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn đã hoạt động trở lại, bước đầu chuyển hướng sang khai thác, phát triển dịch vụ nội địa. 21,2% doanh nghiệp có kế hoạch sẽ phục hồi trong 1 - 2 tháng tới, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Các doanh nghiệp còn lại đang hoạt động cầm chừng và chưa có kế hoạch cụ thể bởi vẫn lo ngại về ảnh hưởng của Covid-19.
Nghịch lý hậu Covid-19: Người lao động thiếu việc, nhà tuyển dụng khó kiếm nhân viên
Dịch bệnh Covid-19 đã buộc các doanh nghiệp ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn phải cắt giảm nguồn nhân lực lớn.
Tuy nhiên, sang đầu năm 2022, ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn Việt Nam có nhiều khởi sắc, lượng khách du lịch bắt đầu gia tăng. Du lịch nội địa nóng lên từng ngày, nhiều khu du lịch từ Bắc - Trung - Nam liên tục cháy phòng xuyên Tết.
Với tín hiệu tích cực này, ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn được kỳ vọng sẽ sớm sôi động trở lại. Theo đó, nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong ngành cũng tăng cao. Một cuộc "đại tuyển dụng" quy mô lớn trên toàn quốc diễn ra khi hàng loạt các đơn vị trong ngành này ráo riết tìm kiếm lao động. Song, một nghịch lý diễn ra với ngành này hậu Covid-19 đó là "nhà tuyển dụng khó kiếm nhân viên, trong khi nhiều lao động vẫn thất nghiệp".
Dựa trên kết quả khảo sát từ JobsGO, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn cho biết, họ gặp khá nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự hậu Covid-19. 22,3% doanh nghiệp không không đảm bảo số lượng người lao động cho các vị trí.
Nhưng nhìn trên góc độ của người lao động, 24,2% người tham gia khảo sát cho biết nhu cầu tuyển dụng không cao.
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một số doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, chưa tuyển dụng rộng rãi vì vẫn còn lo ngại về ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều đơn vị muốn tuyển người có kinh nghiệm (52,2% doanh nghiệp không tuyển được nhân sự có chuyên môn),... Thế nhưng, càng có kinh nghiệm người lao động càng băn khoăn về chế độ đãi ngộ sau dịch. Trong khi chỉ có 14,9% người lao động <1 năm kinh nghiệm cho biết chế độ đãi ngộ thấp hơn thời điểm trước dịch thì con số này ở người lao động 1 - 3 năm kinh nghiệm, 3 - 5 năm kinh nghiệm và >5 năm kinh nghiệm lần lượt là 27%, 32,3% và 24,8%. Dù du lịch đã mở cửa, song lượng khách du lịch vẫn còn hạn chế, doanh thu thấp nên doanh nghiệp chưa đáp ứng được mức lương như trước dịch.
Theo ông Phạm Thanh Hải (CEO JobsGO): "Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ cần tránh đưa ra các chính sách mở cửa du lịch không rõ ràng. Người lao động cần trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp. Mặt khác, phía doanh nghiệp trong ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn cũng cần đưa ra các cam kết về chế độ phúc lợi, nhằm tạo niềm tin cho người lao động có kinh nghiệm. Đặc biệt, các đơn vị nên tuyển dụng sớm, ổn định hoạt động để bứt phá khi du lịch mở cửa hoàn toàn, đón du khách quốc tế sau ngày 15 tháng 3. Là một đơn vị hỗ trợ tuyển dụng, JobsGO cũng sẽ tiếp tục là "cầu nối" giữa các doanh nghiệp với người lao động trong ngành này".
Việc trở lại "đường đua" đối với các doanh nghiệp ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn ở thời điểm hiện tại chắc chắn không dễ dàng. Dù vậy, những tín hiệu của sự phục hồi cùng kinh nghiệm, khả năng nhạy bén của mình, các doanh nghiệp ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn hoàn toàn có thể nhanh chóng bứt phá và chạm tới mục tiêu.