Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 07/01/2021 09:51 (GMT+7)

Người đàn ông 72 tuổi mỗi ngày chạy xe hơn 20 km để an táng xác thai nhi

Theo dõi GĐ&PL trên

Những thai nhi bị vứt bỏ với hình hài không còn nguyên vẹn được ông Chín Xuân (Cần Thơ) mang về, tắm rửa sạch sẽ, đến chùa làm lễ rồi an táng tại nghĩa trang thai nhi tại Sóc Trăng

24 năm miệt mài làm từ thiện

Ở một khu dân cư đông đúc tại phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ có một người đàn ông 72 tuổi mỗi ngày đều lặn lội hơn 20 km chỉ để tự tay mình chôn cất những đứa trẻ không tên xấu số. 

Người đàn ông ấy là Huỳnh Văn Xuân hay còn gọi là Chín Xuân. Chiến tranh kết thúc, ông Chín Xuân trở về quê hương với mong muốn chuyên tâm làm ăn và một đời hướng thiện. Sau khi về hưu, ông cảm thấy cuộc sống mình đã đủ đầy nên luôn muốn giúp đỡ người khác. 

Người đàn ông 72 tuổi mỗi ngày chạy xe hơn 20 km để an táng xác thai nhi
Chân dung chú Chín Xuân.

Năm 2007, khi đi thăm bệnh tại bệnh viện, ông bắt gặp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền mua thuốc, ngay cả ăn uống cũng không đủ. Ông về nhà và trằn trọc nhiều đêm và tự hỏi sao còn nhiều người khổ quá. Thế là ông bàn bạc với vợ, lập một tổ nấu cơm từ thiện tại bệnh viện. Cứ một tuần 5 ngày, ông cùng vợ ra chợ xin đồ, người ta cho gì thì nấu đó. Mỗi ngày cứ cố gắng nấu được 100 suất cơm rồi mang đến các bệnh viện để phát. 

Người đàn ông 72 tuổi mỗi ngày chạy xe hơn 20 km để an táng xác thai nhi

Không chỉ nấu cơm và phát cơm, ông Chín Xuân còn giúp đỡ chăm lo cho những đứa trẻ mồ côi, cưu mang những người già neo đơn không nơi nương tựa và thực hiện an táng những người lớn tuổi qua đời mà không có ai lo hậu sự. Thời gian đầu, ông Chín Xuân cũng bị con cái ngăn cản vì không chịu ở nhà an dưỡng. Tuy nhiên, nhìn những việc ông làm cũng là mang lại phước đức cho gia đình, các con ai cũng ủng hộ. 

Nghĩa trang thai nhi gần 2000m2

Cũng vào thời điểm 2007, ông luôn mong muốn có một nghĩa trang dành cho thai nhi nhưng không phải cứ muốn là được. Ông đã năm lần bảy lượt xin hết đầu này đến đầu kia nhưng không được đồng ý. Phần vì người ta e ngại, phần vì có được miếng đất trống để làm nghĩa trang cũng là chuyện rất khó. 

Đến năm 2016, trong một lần đi từ thiện ở Sóc Trăng, ông chia sẻ mong muốn của mình cho một thầy trụ trì nghe và được thầy đại diện chùa cho một miếng đất 200 m2 để an táng các bé. Sau này, một người dân nhận thấy sự ý nghĩa trong việc ông làm nên đã cho ông miếng đất 1700 m2 cạnh nghĩa trang thai nhi để ông tiếp tục công việc của mình. 

Người đàn ông 72 tuổi mỗi ngày chạy xe hơn 20 km để an táng xác thai nhi

Bốn năm ròng rã, ông đã chôn cất 382 em bé. Ông Chín Xuân kể: "Những ngày đầu làm việc này, tôi không sợ mà chỉ thấy giận, thấy buồn vì những đứa bé có khi đã thành hình, có tay chân mà sao lại tàn nhẫn bỏ nó. Lắm lúc tức, tôi cũng chửi nhưng sau này nghĩ họ cũng có cái khổ, tôi lại thôi và cứ lặng lẽ làm việc của mình".

 Tất cả những em bé bị bỏ rơi đều được người ta mang đến cho ông để ông an táng. Có khi người ta đưa tận tay, theo ông đến chùa để làm lễ khâm liệm rồi chôn cất đứa bé đàng hoàng mới rời đi. 

Nhiều người còn quay lại nhiều lần để cúng bái, nhang khói cho con. Cũng có những người lạnh lùng để đứa bé trong bọc ni-lông, để ở một xó cùng giấy siêu âm và gọi ông đến đem đi. Những người đem xác đưa ông đều ẩn danh vì không muốn liên luỵ phiền phức và dù có biết họ là ai ông cũng không nói, không kể với ai.

Người đàn ông 72 tuổi mỗi ngày chạy xe hơn 20 km để an táng xác thai nhi
Những đứa trẻ đều có tên là Vô Ưu.

Những đứa bé khi mang đến cho ông đều phải có giấy siêu âm xem bao nhiêu tháng tuổi thì ông mới nhận. Ông quan niệm, con người chết là phải biết ngày sinh, ngày tử. 

Ông Chín Xuân nhớ lại hình ảnh những đứa bé nằm trong túi ni-lông lạnh ngắt, ông kể: "Đứa lớn nhất mà tôi nhận chắc cũng đã hơn 6 tháng. Nó đã thành hình, có tay chân vậy mà mẹ nó nỡ lòng vứt bỏ. Có những đứa còn nguyên vẹn, tôi đem về lau sạch cơ thể rồi làm lễ an táng. Có những đứa đáng thương hơn, chân tay bị cắt, có khi đầu bị nát ra, tôi nhìn mà không kìm được nước mắt". 

Ông Chín Xuân còn cho biết, cái giá cho một lần phá thai mà muốn đứa trẻ còn nguyên vẹn là hơn 25 triệu còn nếu chỉ có mười mấy triệu đồng cái thai sẽ bị cắt, bị xẻ nhỏ để lôi ra khỏi tử cung. Nhiều lần, ông cũng bần thần đứng không vững trước những đứa bé là con người nhưng theo lời ông "tụi nó bị cắt như những miếng thịt ngoài chợ".

Nỗi sợ không ai lo cho "các bé"

Ngoài hai vợ chồng ông Chín Xuân, có nhiều người cũng tình nguyện cùng ông làm từ thiện. Người có tiền, có của thì giúp đỡ ông bằng hiện kim, có nhiều bà con ở nước ngoài khi nghe ông làm chuyện ý nghĩa như vậy liền gửi tiền về với hi vọng có thể giúp cho ông và cho bà con quê hương Cần Thơ. 

Những người dân lao động khi rảnh rỗi thì phụ ông nấu cơm, dọn dẹp nghĩa trang thai nhi. Có khi ông mệt thì họ hỗ trợ đi nhận xác và lo an táng cho các bé. Tuy nhiên, không ai có thể gắn bó lâu vì họ còn cuộc sống riêng của mình. 

Người đàn ông 72 tuổi mỗi ngày chạy xe hơn 20 km để an táng xác thai nhi
Cái tên Vô Ưu ông đặt cho các bé với mong muốn trút hết ưu phiền ở trần đời.

Những em bé được ông đem về, bỏ vào một hộp kính, đem đi mai táng có đầy đủ lễ cúng như một người bình thường. Ông còn xây một cái kim tĩnh cho các em để các em yên nghỉ chu toàn. Số tiền để chôn cất một em bé nằm trong khoảng 3 triệu đồng. Không chỉ chôn cất là xong, mỗi ngày ông đều mua sữa, mua bánh đến thấp nhang và cúng kiến cho các em. 

Nhà từ Cần Thơ, chạy qua Sóc Trăng mất hơn 20 km. Chưa kể đoạn đường ông đi nhận xác các em có khi nhiều hơn gấp bội. Vậy mà có những ngày ông nhận đến 5, 6 cuộc gọi bảo ông an táng giúp là ông biết có thêm ngần ấy sinh linh bé nhỏ lìa đời. 

Người đàn ông 72 tuổi mỗi ngày chạy xe hơn 20 km để an táng xác thai nhi
Khuôn viên được trồng thêm cây xanh.

Có nhiều người hỏi ông sợ không? Ông thủ thỉ đã làm việc thiện thì không được sợ, ông cũng chưa từng thấy sợ. Nỗi sợ duy nhất chính là nỗi lo một ngày nào đó khi ông già và mất đi sức khoẻ không còn ai nối tiếp cái "nghiệp" này. 

Ông cũng nhiều lần ra nghĩa trang thai nhi và bảo với các em rằng: "Nếu một ngày nào đó ông hết duyên với các con thì xin các con hiểu và đừng buồn ông". 72 năm cuộc đời, ông Chín Xuân chưa từng bị bệnh, ông cũng nghĩ đó là phần phước trời ban để ông có sức lo cho người, cho đời. 

Cùng chuyên mục

SeABanker chia sẻ yêu thương tới người dân tại 29 tỉnh, thành trên cả nước
Hành trình thiện nguyện của CBNV Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) năm 2025 được mở đầu bằng hoạt động thường niên Xuân yêu thương với chủ đề “Lan tỏa nụ cười” hướng tới những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội: trẻ em mồ côi, nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, những em nhỏ mất cha mẹ do dịch bệnh Covid-19, những cụ già neo đơn không nơi nương tựa hay nữ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tại 29 tỉnh, thành trên cả nước…

Tin mới

Phú Thọ tạm dừng, hoãn, lùi các hoạt động vui chơi giải trí công cộng tại Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ
Thực hiện Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Khamtay Siphandone, tỉnh Phú Thọ tạm dừng, hoãn, lùi tổ chức các chương trình nghệ thuật, hoạt động vui chơi, giải trí công cộng trên địa bàn tỉnh trong 2 ngày 04-05/4 (tức 07-08/3 âm lịch).
Cư dân Vinhomes: “Mở cửa bước vào nhà đã thấy ấm êm, hạnh phúc”
“Chỉ cần mở cửa bước vào là đã thấy ấm êm, hạnh phúc”, “mua một ngôi nhà thì dễ, mua một không gian sống như Vinhomes mới khó”, “từ các anh bảo vệ cho tới các chị lao công, ai cũng gần gũi như thể người nhà”… những cảm xúc bình dị cho tới niềm hạnh phúc trước đây chưa từng trải nghiệm là chất men khiến mỗi cư dân Vinhomes thêm yêu nơi mình sống hơn mỗi ngày.