Nếu bỏ qua 3 giai đoạn quan trọng này, trẻ đang dậy thì dễ nổi loạn, thành người bất hiếu
Sự quan tâm của bố mẹ là sợi dây gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và con cái.
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng, con cái khi trưởng thành sẽ cần sự tự do nên không muốn bố mẹ can thiệp nhiều vào cuộc sống của mình. Ở một mức độ nhất định thì đây là suy nghĩ đúng, nhưng nếu bố mẹ muốn quá trình phát triển của trẻ lành mạnh thì việc bố mẹ đồng hành để hướng dẫn và động viên trẻ là rất cần thiết.
Con càng lớn, càng xa cách bố mẹ, đó là vì bố mẹ không khéo léo trong cách tiếp cận với trẻ, để có thể trở thành người bạn tốt và được phép bước vào thế giới riêng của con. Đặc biệt là khi trẻ đến độ tuổi dậy thì. Mặc dù trẻ vị thành niên bề ngoài có vẻ lớn lên độc lập, nhưng thực chất trẻ rất dễ bị tổn thương và cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Đây cũng là cơ hội để bố mẹ gần gũi với trẻ hơn, vì thế bố mẹ tuyệt đối đừng bỏ lỡ.
Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, có 3 giai đoạn ở tuổi vị thành niên mà bố mẹ đừng vội phớt lờ, bởi vì đây là giai đoạn trẻ cần sự quan tâm, chăm sóc và hướng dẫn liên tục từ bố mẹ.
Trẻ 11-12 tuổi (Giai đoạn bốc đồng và hiếu thắng)
Trẻ từ 11 đến 12 tuổi là giai đoạn đầu của lứa tuổi “dở dở ương ương”, khi “bé chưa qua mà lớn cũng chưa tới”. Ở giai đoạn này, sự tiết hormone trong cơ thể trẻ thay đổi sẽ ảnh hưởng đến cả tâm sinh lý, và chào đón những năm tháng dậy thì đầy hỗn loạn, đau đớn trong vài năm tới.
Đối mặt với những thay đổi này, một mặt trẻ em háo hức muốn trở thành người lớn và muốn thể hiện bản thân bằng cách tự đưa ra quyết định. Nhưng một mặt, vì kiến thức chưa sâu và thiếu kinh nghiệm xã hội nên mọi thứ thường rối tung lên, trẻ không đủ khả năng tự mình giải quyết.
Dưới sự va chạm của thực tế và lý tưởng, trẻ em có thể dễ bị bốc đồng, làm mọi việc với sự nhiệt tình và có những sơ hở rõ ràng trong logic hoặc khả năng đưa ra quyết định. Trong giai đoạn này, mặc dù với cái tôi cao nên trẻ sẽ thường muốn tự làm, nhưng thực tế cũng cần bố mẹ đứng ra giúp đỡ, định hướng giải quyết để ổn định mọi vấn đề.
Trẻ 13-14 tuổi (Giai đoạn nhạy cảm về mặt xã hội)
Kết quả nghiên cứu tâm sinh lý đã chỉ ra rằng, ở độ tuổi 13 đến 14 áp lực xã hội của trẻ đạt đến đỉnh điểm. Giai đoạn này, trẻ sẽ không giới hạn vòng tròn giao tiếp của bản thân trong gia đình, mà sẽ mở rộng ra thế giới bên ngoài. Nhiều đứa trẻ mang tâm thế háo hức được giao lưu, háo hức được bạn bè thừa nhận, và thậm chí tầm quan trọng của bạn bè đôi khi có thể vượt xa cha mẹ.
Nhưng thực tế thì khi trẻ càng quan tâm, và dành nhiều sự tin tưởng, hy vọng vào việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, áp lực kết bạn sẽ càng lớn. Xã hội phức tạp, trắng đen khó đoán, trong khi đó trẻ còn khá non nớt. Vì vậy, trẻ dễ gặp phải nhiều vấn đề khác nhau khi kết bạn.
Lúc này, việc bố mẹ phân tích vấn đề dưới góc độ của một người trưởng thành trong xã hội, và giải đáp những bối rối của trẻ trong việc kết bạn bằng vốn sống của mình, sẽ giúp trẻ tránh bị tổn thương.
Các chuyên gia phân tích rằng, những đứa trẻ nhận được sự đồng hành, giải quyết vấn đề và hỗ trợ tinh thần từ gia đình có xu hướng ít lo lắng và trầm cảm hơn, đồng thời bình tĩnh và điềm đạm hơn khi kết bạn. Điều này, giúp trẻ bước ra môi trường xã hội bên ngoài với một “túi khôn” đủ để bảo vệ bản thân và tự tin thể hiện chính mình.
Trẻ 15-16 tuổi (Theo đuổi thời kỳ kích thích)
Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu thích phiêu lưu, thích theo đuổi sự phấn khích, thách thức uy quyền và theo đuổi sự khác biệt. Vì vậy, bố mẹ sẽ quan sát thấy trẻ luôn tỏ thái độ và làm những việc hơi thái quá, thậm chí có chút nổi loạn.
Lúc này, bố mẹ giáo dục trẻ bằng sự nghiêm khắc sẽ không mang lại hiệu quả, so với phương pháp giáo dục mềm mỏng. Bởi vì bố mẹ càng phản đối, sự kích thích của trẻ càng tăng cao và trẻ sẽ cố gắng thực hiện những điều ngược lại với mong muốn của bố mẹ.
Về vấn đề này, các chuyên gia khuyên bố mẹ không nên quá kiểm soát trẻ, mà thay vào đó bố mẹ nên là người “lắng nghe”, “đồng hành” cùng trẻ. Thậm chí là cùng trẻ làm những điều “điên rồ”, mà không vi phạm nguyên tắc. Đồng thời, khuyến khích con chấp nhận rủi ro một cách hợp lý, và cổ vũ con tìm cách khắc phục rủi ro để trưởng thành hơn.
Sự tin tưởng và động viên của bố mẹ lúc này thực tế có xu hướng khiến trẻ dần dần bình tĩnh lại, phần não điều khiển hành vi nguy hiểm ít được kích hoạt hơn và mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái sẽ trở nên thân thiết, hòa thuận hơn.